“Cuộc chiến” thu hút tiền gửi

Trải thảm cho người có tiền

Trải thảm cho người có tiền

Bị áp lực lớn về gia tăng chi phí huy động vốn bởi quy định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của NHNN Việt Nam, các ngân hàng (NH) thương mại đang khởi động những chiêu thức thu hút huy động vốn qua hàng loạt các dịch vụ linh hoạt hấp dẫn.

Đa dạng kỳ hạn, loại hình tiền gửi 

Trải thảm cho người có tiền ảnh 1

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng VIB Bank. Ảnh: Việt Dũng

Bên cạnh lãi suất huy động USD được các NH tăng đồng loạt ở hầu hết các kỳ hạn, đến nay đã có vài NH tăng lãi suất huy động VNĐ, trong đó mạnh nhất là các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Eximbank đã tăng lãi suất huy động VNĐ ở kỳ hạn 18 tháng từ 0,785 lên 0,82%/tháng; 24 tháng tăng từ 0,79 lên 0,83%/tháng và 36 tháng tăng từ 0,80 lên 0,85%/tháng.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc OCB, cho biết  OCB đang ưu đãi khách hàng gửi các kỳ hạn dài trên 12 tháng với lãi suất cao. Vì ở kỳ hạn trên 12 tháng, NH chỉ trích tỷ lệ dự trữ bắt buộc một nửa (4%) so với kỳ hạn dưới 12 tháng (8%)…  Nhiều NH lựa chọn phương thức huy động tiết kiệm ngắn ngày. Cụ thể, NH Quân đội và Southern bank cùng lúc đưa ra tiền gửi tiết kiệm USD kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần với lãi suất khá hấp dẫn. Chẳng hạn kỳ hạn tiết kiệm USD kỳ hạn 1 tuần ở Southern bank là 2,00%/năm; 2,20%/năm cho kỳ hạn 2 tuần và 3%/năm cho kỳ hạn 3 tuần.

Bên cạnh việc mở rộng kỳ hạn gửi, các NH còn đa dạng loại hình tiền gửi với nhiều ưu đãi riêng. Với lãi suất tiết kiệm tích lũy, khách hàng gửi một khoản tiền cố định theo định kỳ hàng tháng trong một thời gian nhất định, giúp người gửi tiết kiệm tích góp với mức lãi suất sinh lời cao. Còn loại hình tiết kiệm hỗn hợp lại có những tính năng vượt trội hơn.

Người gửi tiền có thể gửi tiền vào hoặc rút tiền ra bất cứ lúc nào và lãi suất tính theo lãi suất có kỳ hạn. Ngoài ra, người gửi tiền có thể dùng tài khoản tiền gửi để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền... Đặc biệt một loại hình tiền gửi gần đây được nhiều NH tung ra rầm rộ là “tiết kiệm rút vốn linh hoạt”. Cụ thể, từ ngày 12-7, NH Việt Á cho phép khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng được rút một phần hay toàn bộ vốn gốc trong kỳ hạn gửi tùy theo nhu cầu sử dụng vốn. Nếu rút một phần thì số vốn còn lại sẽ được tiếp tục tính theo lãi suất ban đầu.

Rộng rãi hầu bao ưu đãi “thượng đế”

Đi đầu trong các chương trình khuyến mãi là các NH TMCP. VIB Bank đã thực hiện khuyến mãi tặng quà từ tháng 7 cho khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn bằng VNĐ/USD/Euro với mức tiền từ 20 triệu đồng/500 USD/400 euro trở lên. VPBank thì khuyến mãi gửi tiền trúng ô tô Camry.

Techcombank hợp tác với Bảo Việt để triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm được tặng bảo hiểm. Ngoài những sản phẩm tiết kiệm khác biệt các NH khác như tiết kiệm linh hoạt với học bổng dành cho học sinh - sinh viên, NH Sài Gòn (SCB) còn tặng thêm lãi suất cho khách hàng trên 50 tuổi… Dự kiến trong tháng này, SCB sẽ triển khai tiết kiệm cho trẻ dưới 18 tuổi với nhiều chính sách ưu đãi mới. Mục đích của sản phẩm này không chỉ hướng đến các phụ huynh có nhu cầu tích lũy tiền cho con, mà còn thu hút khách hàng ở mọi độ tuổi khác nhau tham gia.

Lý do tăng lãi suất ngoại tệ và tung ra những đợt khuyến mãi được các NH lý giải là để đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ đang tăng của các doanh nghiệp và dự trù cho 6 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp có nhu cầu vốn tăng. Không chỉ cạnh tranh giữa các NH nội địa, các NH cũng đang chịu áp lực cạnh tranh tiền gửi với các NH nước ngoài khi gần đây HSBC, Standard Chartered… đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi trong huy động vốn của cá nhân và doanh nghiệp… Tuy nhiên theo các chuyên gia, các NH cần  cẩn trọng tính toán khi thực hiện khuyến mãi. Bởi vì nếu huy động vốn mà sử dụng không hiệu quả thì chính các NH sẽ gánh hậu quả do chi phí khuyến mãi khổng lồ, hiệu quả đầu ra lại thấp.

Dịu Ngân

Tin cùng chuyên mục