Trái tim nóng và bàn tay ấm

Khi Quách Thanh Khánh thi và lấy được học bổng của Viện Y học Giảm nhẹ tại San Diego (Hoa Kỳ), chàng bác sĩ sinh vào ngày Quốc khánh đầu tiên khi đất nước hoàn toàn thống nhất (2-9-1975) ấy đã 33 tuổi và đang công tác tại Khoa Xạ 3 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Trái tim nóng và bàn tay ấm

Khi Quách Thanh Khánh thi và lấy được học bổng của Viện Y học Giảm nhẹ tại San Diego (Hoa Kỳ), chàng bác sĩ sinh vào ngày Quốc khánh đầu tiên khi đất nước hoàn toàn thống nhất (2-9-1975) ấy đã 33 tuổi và đang công tác tại Khoa Xạ 3 của Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Ngay từ những ngày đầu tiếp xúc với môn học còn rất mới lạ với y khoa Việt Nam - ngành Chăm sóc giảm nhẹ, Khánh đã bị cuốn hút bởi tính nhân văn của nó. Đối tượng chính của ngành Chăm sóc giảm nhẹ là những người mắc các căn bệnh đe dọa tính mạng và đã ở giai đoạn cuối (như bệnh nhân HIV/AIDS, ung thư…).

Trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư tại Việt Nam ở thời điểm đó, đây chính là phần còn khuyết, là mảng trống khiến người bệnh và gia đình hoàn toàn “mất nơi nương tựa”. Người dân thường có câu “bệnh viện chê, bác sĩ chạy” khi nói đến những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị “trả” về nhà. Trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, nhiều người đã phải bấu víu vào những lang băm “thầy Năm, cô Ba” trong tuyệt vọng. Ở những bệnh nhân này, triệu chứng đau của họ không chỉ đơn thuần là cơn đau thể xác mà lớn hơn nữa đó là sự đau đớn về tinh thần.

Bác sĩ Quách Thanh Khánh (ngồi) đang trò chuyện với bệnh nhân.

 “Không bệnh nhân ung thư nào phải sống trong đau đớn và không bệnh nhân ung thư nào phải mất đi trong nỗi cô đơn”, câu khẩu hiệu trên chính là mục tiêu mà Quách Thanh Khánh và các y, bác sĩ Khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu luôn hướng đến. Dùng thuốc để giúp bệnh nhân giảm cơn đau thể xác, dùng tình thương và sự cảm thông, chia sẻ cho bệnh nhân thấy rằng mình vẫn được chăm sóc, không bị bỏ rơi để từ đó có thái độ tích cực hơn với cuộc sống. Khánh kể về cái bắt tay, nụ cười và lời chào của một nam bệnh nhân trước khi xuất viện: “Bác sĩ yên tâm, tôi hứa sẽ cười trước lúc nhắm mắt” và ngay chiều hôm đó, Khánh nhận tin ông đã qua đời trong sự thanh thản. Mới đây, một bệnh nhân khác đã siết tay anh hỏi rằng: “Bác sĩ ơi, tôi có sống được đến qua tuần sau không? Chủ nhật này là đám cưới của đứa con út…”. Chấp nhận tình trạng bệnh và chuẩn bị cho mọi việc suôn sẻ, đó là điều mà các bác sĩ khoa Chăm sóc giảm nhẹ đã mang đến cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối: Họ đã sống đến khi mất chứ không phải nằm chờ chết!

Sinh viên y khoa có một bài học cơ bản: Phải làm ấm bàn tay trước khi khám bệnh để lúc sờ vào người thì các cơ của bệnh nhân không bị co, giúp việc khám lâm sàng được chính xác hơn. Với bác sĩ chuyên khoa 2, quyền Trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ (BV Ung bướu) Quách Thanh Khánh thì ngoài yếu tố khoa học như trên, “bàn tay ấm” của người bác sĩ còn có tác dụng như một nguồn lực tiếp thêm sức sống cho bệnh nhân, bởi đó là thông điệp chia sẻ, cảm thông với những điều không may mắn mà người bệnh đang gặp phải. “Khi khám bệnh xong, chúng tôi vẫn làm ấm bàn tay và ngồi xuống cầm tay bệnh nhân để trò chuyện. Chăm sóc giảm nhẹ sẽ thành công khi người bệnh hết đau đớn và hoàn thành được các công việc cuối đời. Làm tốt được điều này, có lẽ chúng ta sẽ nhận được sự chia sẻ yêu thương cho chính mình trong tương lai. Con người sinh ra trong sự yêu thương và đáng được mất đi trong nỗi thương yêu!”. Quách Thanh Khánh kết thúc câu chuyện và chúng tôi nhận ra rằng, “bàn tay ấm” của những bác sĩ trẻ tại đây không phải có từ các động tác cơ học mà là xuất phát từ những trái tim nồng hậu tình người.

BỐI DIỆP

Tin cùng chuyên mục