Tháng tư này ở thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đang có Trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức - Nhà xuất bản Công an Nhân dân là cơ quan thường trực.
Đây là trại viết đầu tiên tổ chức ở đất Bắc, nhằm huy động sức người và sức viết cho một cuộc thi văn học lớn kéo dài 3 năm (2013-2015) thuộc đề tài Công an Nhân dân nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Công an Nhân dân (19-8-1945 – 19-8-2015), 67 năm Công an Nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy cùng sự tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Công an Nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”.
Lễ phát động cuộc thi đã được tổ chức long trọng tại thủ đô Hà Nội vào dịp cuối tháng giêng Quý Tỵ. Và tháng 4-2013 này các công việc “bếp núc” của cuộc thi đã được tổ chức một cách chu đáo ở thành phố vịnh biển xinh đẹp với sự có mặt của gần ba chục nhà văn và các tác giả thuộc đủ lứa tuổi trong và ngoài lực lượng công an...
Cao niên nhất là nhà văn Lương Sĩ Cầm, tuổi ngoài 80, thuộc Chi hội Nhà văn công an. Ông về trại sáng tác lần này ấp ủ tiếp bản thảo Bước chân biệt động viết về lực lượng An ninh T4 của Sài Gòn thời chống Mỹ xâm lược. Các cây bút ở tuổi 70, 60, 50 khá đông đảo bên nhiều cây bút trẻ. Ngô Thy Học là tác giả 9X, trẻ tuổi nhất của trại viết, nhưng đã đăng ký một cuốn tiểu thuyết về thân phận phụ nữ từng là phạm nhân…
Trong lễ khai mạc trại viết, nhà văn Đại tá Phùng Thiên Tân, Giám đốc Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Trưởng ban thường trực cuộc thi, sau phần mở đầu phát biểu về ý nghĩa và mong muốn của Hội đồng chỉ đạo cũng như của ban tổ chức đã thân tình như người nhà giới thiệu đôi nét về các nhà văn, các tác giả tham dự trại sáng tác. Đó là những cây bút lão thành từng trải trong và ngoài lực lượng, những nhà văn, những tác giả đã từng được nhận giải của cuộc thi lần trước, lần này vẫn tiếp tục trong cuộc hành quân văn học mới với tâm thế trách nhiệm trước một đề tài văn học có tư cách công dân và nội dung nhân văn cao.
Trung tướng Lê Ngọc Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chỉ đạo cuộc thi, trong lời phát biểu đã dành những tâm sự tâm huyết về đồng đội của mình trên mặt trận thầm lặng giai đoạn chống Mỹ cứu nước và hy vọng những chiến công của họ, những sự hy sinh mất mát của họ sẽ có mặt ngày càng nhiều trong các trang viết của các tác giả. Đây cũng là nỗi lo trách nhiệm, niềm mong tình cảm được đền đáp của nhiều người viết hôm nay trước các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an cùng những chiến công và sự hy sinh của họ trong giai đoạn cả nước đánh giặc cũng như sau ngày đất nước trong hòa bình xây dựng. Đối với các thế hệ đi trước, việc tri ân này nếu không sớm được thực hiện e rằng sẽ có những thiệt thòi cho văn học tư liệu khi mà các nhân chứng của thời kỳ lịch sử hào hùng ấy ngày một lớn tuổi, trong đó không ít người đã khuất núi...
Trong trại viết lần này, có người đã và đang động bút ở những trang đầu. Nhà văn Trần Chiểu tuổi đã ngót 80 tiếp tục theo đuổi đề tài an ninh ở vùng mỏ nơi mà ông đang sinh sống. Nhà văn Tôn Ái Nhân tiếp tục khai thác tư liệu về chiến công của người chiến sĩ Công an Hà Nội thời đánh Pháp có tên là Sóng gầm trên đất rồng bay. Đây là nguồn tư liệu văn học quý mà ông có nhiều vốn. Tác giả Nguyễn Đăng An sẽ có những trang ký về một vị tướng đã khuất - ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an có nhiều năm tháng công hiến cho lực lượng. Cũng viết về chân dung một vị tướng nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, nhà văn Võ Bá Cường đang sửa sang lại bản thảo khá dày dặn đã hoàn thành bước đầu...
Điều mong muốn lớn nhất của người tổ chức cũng như người tham dự là có được nhiều tác phẩm mà trong ấy hình tượng cao đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân Việt Nam được thể hiện một cách sâu sắc qua nội dung và giàu tính nghệ thuật trong cách viết. Với riêng tôi, sau nhiều lần tham gia trại viết văn của lực lượng công an tôi thấy đề tài Công an Nhân dân là một đề tài phong phú, hết sức hấp dẫn, giàu tình người nhưng không dễ thể hiện nếu ta không công phu tìm hiểu. Chỉ có chuyên tâm đi sâu vào đời sống riêng chung của cán bộ, chiến sĩ công an ta mới có thể vượt qua được những trang viết sơ lược, minh họa hoặc tường thuật vụ án để vươn tới sự đích thực về văn học của tác phẩm. Đây cũng là điều mong ước của nhiều người yêu văn học về đề tài Công an Nhân dân.
Nhà văn PHAN QUẾ