Xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay gặp khó khăn đã kéo giá cá tra nguyên liệu xuống mức thấp còn 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi không có lãi. Chẳng những bị lỗ, hàng loạt hộ nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ… còn bị các doanh nghiệp nợ tiền mua nguyên liệu kéo dài không trả hoặc chỉ trả “nhỏ giọt”, khiến người nuôi khốn đốn…
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL cần được bảo vệ, tránh bị DN chiếm dụng vốn
Thiệt trăm bề
Chiều 12-4, phản ánh với phóng viên Báo SGGP, ông Cao Lương Tri, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) chua chát: “Nông dân nuôi cá ở xứ này đang đi vào ngõ cụt khi thua lỗ liên tiếp liền mấy năm. Tệ hại nhất là người nuôi bị doanh nghiệp cho “leo lên đọt cây” mà không biết đường xuống và “sắp té nhào” vì bị ngân hàng siết nợ”. Ông Tri kể, năm 2013, ông bán cho Công ty cổ phần Việt An (phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang) 8 đợt với hơn 3.000 tấn cá tra, giá bình quân 23.000 đồng/kg. Số tiền bán cá lên tới 80 tỷ đồng và công ty “hứa” thanh toán 20% sau 10 ngày kể từ lúc bắt xong cá, 80% còn lại trả dứt điểm sau 30 ngày. Hợp đồng còn ghi, nếu công ty trả chậm phải chịu lãi cho người nuôi 1%/tháng. Giấy trắng mực đen là vậy, nhưng tới ngày hẹn thì công ty “quên” trả tiền; trong khi nợ ngân hàng, nợ đại lý thức ăn… siết chặt khiến gia đình ông Tri như ngồi trên lửa. Cùng đường, ông Tri chạy tới công ty “năn nỉ” trả tiền mua cá thì họ đưa ra đủ lý do như xuất khẩu khó khăn, đối tác chưa thanh toán... Thế là công ty trả “nhỏ giọt” kéo dài giống như “trả góp”. “Gần 1 năm tôi bỏ hết công ăn việc làm để theo đòi nợ, nhưng công ty trả lần hồi được 43 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4-2014, người đứng đầu công ty này là ông Lưu Bách Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đột ngột rời An Giang đi nước ngoài với lý do trị bệnh và tới nay không hẹn ngày về, khiến người nuôi cá chết đứng. Cả năm qua tôi gõ cửa công ty nhiều lần, nhưng những người thay thế ông Thảo chỉ trả 6 tỷ đồng. Hiện còn nợ 31 tỷ đồng chưa biết tính sao, trong khi hàng tháng tui phải đóng lãi ngân hàng hơn 100 triệu đồng” - ông Tri thở dài.
Đồng cảnh ngộ trên, bà Trần Thị Xuyên, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cay đắng: “Lúc đầu Công ty Việt An tỏ ra uy tín với người nuôi cá. Riêng gia đình tui bán cho công ty này hơn 30 tỷ đồng. Họ lấy cá xong thì trả dần, cho tới tháng 4-2014 còn nợ 7 tỷ đồng. Từ đó tới nay công ty trả nhỏ giọt được thêm 2 tỷ đồng, hiện còn nợ khoảng 5 tỷ đồng không biết bao giờ thanh toán”. Có rất nhiều hộ nuôi ở ĐBSCL đã thế chấp nhà cửa, đất đai… vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá. Cuối cùng vừa bán lỗ, vừa bị Công ty Việt An nợ kéo dài khiến người nuôi khốn khổ.
Liên kết chuỗi giá trị
|
Có thể nói, để sản phẩm cá tra của Việt Nam xuất khẩu đi 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch hàng năm khoảng 1,6 - 1,8 tỷ USD, những nông dân nuôi cá đã đóng góp công sức khá lớn. Song quyền lợi của người nuôi cá chưa được quan tâm đúng mức, trong khi rủi ro luôn rình rập.
Mấy năm nay, ngành xuất khẩu tỷ đô này lâm vào khủng hoảng, cả doanh nghiệp và người nuôi đều gặp khó. Hậu quả cũng bởi phát triển “nóng” kéo theo nhiều hệ lụy. Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh ĐBSCL, các hiệp hội… đã và đang nỗ lực tái cơ cấu lại ngành cá tra, song tới nay mọi việc còn khó. Nhiều ý kiến đề xuất, quá trình tái cơ cấu cá tra cần quan tâm tới lợi ích của người nuôi nhiều hơn. Nếu người nuôi cá khi vay vốn ngân hàng phải thế chấp tài sản thì cần quy định doanh nghiệp khi mua cá cũng phải thế chấp, hoặc có biện pháp chế tài nào đó để tránh những rủi ro cho người nuôi.
Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty Thức ăn Cỏ May, cho rằng: “Vực dậy ngành công nghiệp cá tra cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch lại vùng nuôi, thống nhất sản lượng cung cầu hợp lý, nâng chất lượng cá tra; tái cấu trúc doanh nghiệp về tài chính và quản trị, mở rộng thị trường… Trong đó, cần mạnh dạn thay đổi phương thức từ mạnh ai nấy làm sang liên kết chuỗi giá trị. Cụ thể, áp dụng cách liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với doanh nghiệp sản xuất thức ăn và người nuôi, thông qua sự hỗ trợ của ngân hàng và sự quản lý của nhà nước. Ngân hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn mua thức ăn cung ứng cho người nuôi cá; đến khi thu hoạch thì doanh nghiệp xuất khẩu lấy lại cá của người nuôi theo giá thị trường, phần tiền dư ra (ngoài chi phí cung ứng thức ăn) thì trả cho người nuôi. Cách làm này các bên đều có lợi, đặc biệt người nuôi không lo về đầu tư vốn và tránh tình trạng bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn như nuôi nhỏ lẻ bên ngoài”.
Ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Tháp, tiết lộ: “Chúng tôi đang giải ngân cho Công ty Hùng Cá vay gần 1.500 tỷ đồng để “thí điểm” mô hình nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra theo chuỗi giá trị. Công ty được vay vốn với lãi suất thấp hơn bình thường để đầu tư con giống, thức ăn… cho hơn 300 hộ nuôi cá nằm trong vùng quy hoạch của Đồng Tháp. Đến khi thu hoạch thì công ty thu mua lại sản phẩm để chế biến xuất khẩu, sau đó trả vốn lại cho ngân hàng. Đây là hướng đi triển vọng cho ngành cá tra, cũng như các bên tham gia. Vấn đề là phải có được doanh nghiệp mạnh, đủ tầm, tâm huyết… mới thực hiện được”.
HUỲNH PHƯỚC LỢI