(SGGP).- Thành phố mới (TPM) Bình Dương là tên của một đề án xây dựng đô thị trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị tỉnh Bình Dương. TP này được xây dựng với mục tiêu sẽ là trung tâm hành chính mới của tỉnh, thay cho TP Thủ Dầu Một, nhiều năm liền và hiện nay là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đô thị mới cách trung tâm TP Thủ Dầu Một khoảng 10km, có tổng diện tích 1.000ha.
Khởi công vào năm 2010, TPM Bình Dương bao gồm 7 phân khu chức năng gồm: Khu trung tâm chính trị - hành chính; Khu trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán; Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao; Khu trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học; Khu phục vụ cộng đồng… Nổi bật nhất trong TPM Bình Dương là Khu đô thị Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do Công ty TNHH Becamex Tokyu, liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam đầu tư. Ngoài ra còn có hàng loạt dự án khác như Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; phố Golden Town, dự án Aroma… Theo dự kiến của chính quyền tỉnh Bình Dương, đến năm 2020, tổng vốn đầu tư cho các dự án của trung tâm TPM Bình Dương là hơn 150.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho công trình tạo lực là hơn 20.000 tỷ đồng.
Một căn nhà bỏ hoang trong TPM Bình Dương
Sau 5 năm kể từ ngày khởi công dự án, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ vào TPM Bình Dương hàng tỷ USD, chủ yếu là đầu tư các cao ốc, nhà liên kế, nhà ở xã hội… nhằm thu hút người dân ở Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận đến sinh sống. Thế nhưng, do tình hình kinh tế trong nước khó khăn nên khác hẳn với sự đầu tư ban đầu và kỳ vọng bất động sản sẽ khởi sắc, hiện các dự án nhà ở, căn hộ cho thuê, văn phòng làm việc… ở TPM này rơi vào cảnh “chợ chiều”, “hàng hóa” rất nhiều mà người mua lại thưa thớt. Trong vùng lõi của TPM Bình Dương, những mảnh đất “sạch” được quy hoạch khá bài bản nhưng không một bóng nhà, cỏ mọc xanh tốt, từng đàn trâu, bò thong thả gặm cỏ.
ĐỨC TRUNG