Vượt hàng trăm cây số đường xa, chúng tôi tháp tùng Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, từ TPHCM đến với con người và mảnh đất Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nơi điểm cuối tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Giữa đại ngàn Trường Sơn xuất hiện một trạm xá khang trang màu hồng, mái ngói đỏ tươi, trông như một lâu đài ẩn mình trong rừng…
Đường lên biên giới xa xôi, nhiều đoạn gập ghềnh khó đi nên mất nửa ngày đường chúng tôi mới tới nơi. Chưa kịp xuống xe, các anh bộ đội biên phòng và người dân trong xã đã chạy ra, tay bắt mặt mừng đón tiếp. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa đại ngàn Trường Sơn cộng với tình nghĩa sâu nặng của người lính biên cương đã giúp chúng tôi xua tan bao mệt nhọc đường xa để chỉ còn đọng lại bao điều thú vị...
Đêm ở đồn biên phòng Đắc Ơ, bên ánh lửa trại bập bùng, chúng tôi cùng các anh bộ đội biên phòng và bà con trong xã nắm tay nhau nhảy múa, ca hát… Đến hơn 2 giờ sáng, mọi người quyến luyến chia tay để tranh thủ chợp mắt ngày mai còn đi tiếp. Đúng 5 giờ 30, tiếng kẻng doanh trại vang lên giữa rừng, tiếp đó, tiếng gà gáy rộn rã, tiếng chim hót véo von… tạo nên một bản nhạc chào ngày mới viết bằng âm thanh cuộc sống.
Chúng tôi ngắm bình minh lấp lánh như kim cương rọi xuống những cành hoa viôlét tím biếc trong sân, xa xa là màn sương trắng đục núi rừng, ai nấy đang ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ lạ của thiên nhiên thì có lệnh tiếp tục “hành quân” đến Trạm xá Quân dân y kết hợp do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tài trợ cho Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xây tặng bà con tại thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập.
Từ đồn biên phòng đến trạm xá tuy không xa lắm nhưng đường sá rất khó đi. Hai bên đường, nhà dân thưa thớt, nghèo nàn, thỉnh thoảng mới có vài ngôi nhà kiên cố. Đa số người dân xã Bù Gia Mập là người dân tộc S’tiêng sống bằng nghề trồng trọt, làm rẫy. Cuộc sống vất vả khiến ai cũng đen đúa, khô gầy, chỉ có đôi mắt trong veo. Trong suốt hai thời kỳ kháng chiến, bà con sống dọc tuyến đường Trường Sơn này đã hết lòng ủng hộ sức người, sức của cho cách mạng. Sau ngày hòa bình, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống, sức khỏe cho người dân nơi đây để thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc, nhưng bà con vẫn còn khó lắm.
Lẫn trong đám đông đến dự lễ khánh thành trạm xá ngày hôm đó, chúng tôi nhận ra đầy đủ những người đã có mặt trong ngày khảo sát vùng đất để xây trạm. Từ trưởng thôn Điểu Giấp, bác Trinh – người có thâm niên gần chục năm làm Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, đến Phó Chính ủy Phương, Trưởng ban vận động quần chúng Hòa… Họ là những người nặng nợ với Bù Gia Mập, nhiều năm đau đáu với giấc mơ xây dựng một trạm xá tại vùng rừng núi heo hút này.
Bắt tay chúng tôi thật chặt, Phó Chính ủy Phương cười tươi như trút được gánh nặng lâu nay, anh nói: “Thế là chưa đầy một năm kể từ ngày chúng ta đến đây, giờ thì trạm xá đã thành hình. Trạm xá không còn trong giấc mơ mà đã hiển hiện trước mắt bà con”.
Già làng Điểu Chung cũng vui mừng khôn xiết. Ông nói: “Từ lúc khởi công trạm xá đến nay, bà con quanh đây đếm từng ngày, mong đến ngày trạm xá chính thức hoạt động”. Cùng chung tâm sự, ông Điểu Phước, ngụ thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, vui vẻ: “Mừng lắm, đêm qua không sao ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để rủ nhau kéo đến trạm xá mới. Từ nay chúng tôi không còn phải đi xa hơn chục cây số để đến trạm y tế xã khám bệnh như trước nữa, chỉ cần đến trạm xá gần nhà là được bộ đội biên phòng chăm sóc sức khỏe chu đáo. Có trạm xá đẹp như trong mơ, lắm lúc tôi không tin vào mắt mình…”.
Đại tá Phùng Tiến Lãng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Phước, cho biết đây là trạm xá quân dân y kết hợp thứ 4 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Công trình này thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với người dân có công với cách mạng, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời tạo thế trận biên phòng toàn dân để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.
Không thể kể hết những gian nan vất vả để có được một trạm xá khang trang như ngày hôm nay, bởi nơi đây đường sá quanh năm nắng bụi, mưa lầy, đi người không đã vất vả, huống hồ việc chuyên chở vật liệu xây dựng, sắt thép…
Ngoài phần kinh phí của nhà tài trợ, bộ đội biên phòng cũng đã bỏ rất nhiều ngày công để hoàn thành các hạng mục. Hiện trạm xá chưa có đầy đủ trang thiết bị nên rất mong có thêm nhiều nhà hảo tâm tiếp tục tài trợ để trạm xá hoạt động hiệu quả hơn, cho nghĩa tình thêm trọn.
Trạm xá Quân dân y kết hợp Bù Gia Mập được khởi công xây dựng từ ngày 12-4-2011. Sau 4 tháng thi công, ngày 20-8-2011 trạm xá đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Khuôn viên trạm xá rộng 150m², có 10 giường bệnh, tủ thuốc, phòng khám, phòng lưu trú và các công trình phụ khác. Kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng. Trong buổi lễ khánh thành, Ban tổ chức đã tặng 30 phần quà cho các hộ dân nghèo (mỗi phần quà trị giá 200.000 đồng), khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 60 lượt người dân. |
MINH NGỌC