Trận đánh ở ga Hòa Hưng

Chuyện về những chiến sĩ biệt động với những trận đánh vào các mục tiêu trọng yếu được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt của kẻ thù đã trở thành những huyền thoại in đậm vào tâm trí những người dân Sài Gòn. Tại Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn (đề pô xe lửa Hòa Hưng) có một bia tưởng niệm ghi lại trận đánh tiêu diệt 17 đầu máy xe lửa địch.
Trận đánh ở ga Hòa Hưng

Chuyện về những chiến sĩ biệt động với những trận đánh vào các mục tiêu trọng yếu được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt của kẻ thù đã trở thành những huyền thoại in đậm vào tâm trí những người dân Sài Gòn. Tại Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn (đề pô xe lửa Hòa Hưng) có một bia tưởng niệm ghi lại trận đánh tiêu diệt 17 đầu máy xe lửa địch.

Bó củi đặc biệt

Năm 1967, Mỹ đã trang bị một loạt xe lửa quân sự hiện đại nhất lúc bấy giờ, có đầu máy diesel cho quân đội ngụy. Mục đích của Mỹ là tăng cường việc vận chuyển lính và vũ khí kịp thời vào chi viện cho mặt trận miền Trung. Trước tình hình đó, Ban quân báo miền đã nghiên cứu và lên kế hoạch tiêu diệt các đầu máy xe lửa tại ga Hòa Hưng.

Chỉ huy trận đánh là anh Đoàn Quang Xuân (Sáu Phò) cùng hai chiến sĩ Đội 90C, đơn vị F100 là Nguyễn Đức Thạc (Năm Minh) và Dũng (Ngô Vinh) được giao nhiệm vụ vào thành, chuẩn bị kế hoạch phá hủy các đầu máy xe lửa.

Trong kế hoạch đánh ga Hòa Hưng còn có Quách Hải - một tiểu thương người Hoa, cũng là chiến sĩ của Đội 90C - được giao nhiệm vụ hỗ trợ hai đồng đội lên kế hoạch và vận chuyển thuốc nổ từ căn cứ Phú Hòa Đông (Củ Chi) vào thành chuẩn bị cho trận đánh.

Ông Quách Hải nhớ lại: “Nhà tôi có chiếc xe tải nhỏ chuyên bỏ hàng ở Củ Chi, Hóc Môn. Trên những chuyến xe đó thường giấu vũ khí, thuốc nổ. Dù đã tính toán kỹ ngày giờ, chuẩn bị từng phương án… nhưng đến chuyến thứ hai khi về gần đến điểm tập kết bỗng nhiên xe bị chặn lại. Trên xe lúc đó là 200kg thuốc nổ TNT, được ngụy trang thành những bó củi. Lúc xe bị giữ ở trạm, tôi cũng hoảng và lo lắm nhưng tin rằng không bị lộ vì nếu bọn cảnh sát phát hiện ra vũ khí thì sao chúng chỉ giữ xe mà không lục soát… Chắc là vòi tiền. Biết ý, tôi lót tay một khoản kha khá. Sau khi được thả ra, tôi đưa xe về đường Lê Văn Duyệt (đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay). Đây là nơi tập kết vũ khí để chuyển vào bãi xe lửa”.

Bia tưởng niệm tại xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn ghi lại trận đánh ga xe lửa Hòa Hưng của các chiến sĩ biệt động năm 1967.

Bia tưởng niệm tại xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn ghi lại trận đánh ga xe lửa Hòa Hưng của các chiến sĩ biệt động năm 1967.

Tập kích

Để chuẩn bị cho trận đánh, Thạc và Dũng đã nhiều lần xin vào ga làm việc. Lúc làm công nhân khuân vác, lúc làm thợ cơ khí lắp ráp toa xe. Mục đích là để thuận tiện ra vào ga quan sát, bố trí sắp xếp trong khu đầu tàu, thăm dò quy luật lính gác trong ngoài… Khu vực nhà ga rộng mênh mông còn các mục tiêu định phá hủy lại nằm rải rác khắp nơi gây khó khăn trong việc vận chuyển và bố trí nổ. Địch cho bố trí một tiểu đoàn dù nằm trước cổng canh gác ngày đêm, đèn pha quét sáng cả khu vực… vì vậy đội phải tính toán và đặt ra nhiều tình huống.

Sau đó 1 tháng, đội nhận được lệnh sẽ tập kích đề pô xe lửa Hòa Hưng vào đêm 26 rạng sáng ngày 27-4-1967. Các kíp nổ và 20 khối thuốc nổ TNT (mỗi khối nặng 5kg) đã được chuẩn bị sẵn sàng và được vận chuyển tới điểm tập kết ở một ngôi nhà sát tường khu vực nhà ga.

Ngay tối hôm đấy, Thạc và Dũng vận chuyển lần lượt các bao bố qua tường rào. Qua ánh đèn pha, các anh thấy có đàn bò đang đứng trên bãi cỏ, nếu cứ đi qua, sợ bò thấy người lạ kêu lên thì địch sẽ phát hiện. Hai anh đành vác từng bao đi vòng ra phía xa đàn bò. Mỗi chuyến lại mất thêm hơn 10 phút và phải vừa vác vừa tránh đèn pha, canh lính gác, định vị trí đầu tàu.

Anh Dũng từ chiến khu về được huấn luyện một lớp, còn anh Thạc cũng chỉ được hướng dẫn sơ qua về thuốc nổ, vậy mà các anh vẫn thuần thục lắp các thiết bị, tính toán giờ giấc nổ thật chính xác. Tại mỗi đầu tàu, các anh đặt một khối thuốc nổ, gắn kíp xong kiểm tra kỹ trong ánh đèn đèn pin nhỏ mang theo rồi lại chuyển sang những đầu tàu khác. Trong khoảng 7-8 giờ, hai anh đã đặt xong 20 khối thuốc nổ trong 20 đầu tàu.

Trong kế hoạch này, việc khó nhất là bấm kíp nổ. Đó là loại kíp axít của Ba Lan, loại kíp mới nhất lúc bấy giờ, khi bóp kíp thì ống thủy tinh đựng axít trong kíp sẽ vỡ, axít sẽ chảy từ từ xuống vòng chân hỏa, chân hỏa đứt sẽ gây nổ. Các anh phải tính toán thật cẩn thận sao cho 20 khối thuốc nổ liên tiếp và phải canh thời gian sao cho kịp thời gian rút quân ra khỏi hàng rào.

Đến 4 giờ sáng, những tiếng nổ chấn động khiến nhiều người dân Sài Gòn tưởng máy bay của ta đột kích ga Hòa Hưng. Tiểu đoàn dù của địch hoảng loạn bắn bừa bãi vào bãi xe nhưng lúc này những chiến sĩ biệt động đã rút an toàn.

Ngay sáng hôm ấy, BBC đưa tin Việt cộng đánh vào bãi đậu đầu máy xe lửa ngay tại trung tâm Sài Gòn làm 17 đầu máy diesel bị phá hủy, một xe cần trục và một xưởng sửa chữa lắp ráp xe lửa tan tành... Những đầu tàu xe lửa hiện đại trong một đêm đã bị các chiến sĩ biệt động vô hiệu hóa thành một đống sắt vụn. 

THANH AN

Tin cùng chuyên mục