Con số công bố vừa qua của Bộ NN-PTNT cho thấy, có tới 20% số gà nhập lậu từ Trung Quốc có kháng sinh vượt mức cho phép và một số mang virus cúm.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với kết quả kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm đối với 28 mẫu thịt vịt xiêm (ngan) và gà mua ngẫu nhiên tại các chợ phát hiện có 40% số mẫu còn dư lượng kháng sinh nhóm Cloramphenicol, loại kháng sinh bị cấm sử dụng trong chăn nuôi và kháng sinh Tetracyclin. Đặc biệt, khảo sát của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trong 3 năm qua, trong số hơn 500 mẫu rau quả thì có trên 6% nhiễm thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng. Gần 30% số mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật nguy hại và gần 2% thủy hải sản có tồn dư hóa chất cấm.
Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, số thực phẩm bẩn bị phát hiện, xử lý chỉ là một phần rất nhỏ khi mà thực tế hàng ngày, hàng giờ, những thứ thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng và nhiễm hóa chất công nghiệp, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép… lại đang tràn ngập tại các quán ăn đường phố hay được chế biến thành những món ăn, thức ăn đường phố được nhiều người ưa dùng. Không chỉ có vậy, thực phẩm nguy hại còn tung hoành trên mâm cơm của nhiều gia đình, len lỏi vào bếp ăn tập thể trong nhiều nhà máy, khu công nghiệp và trường học. Thậm chí dưới khả năng “phù phép” của một số đối tượng, thực phẩm bẩn còn đàng hoàng leo lên kệ hàng của nhiều siêu thị để trở thành thực phẩm “an toàn”.
Nhập lậu, kinh doanh và sử dụng các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo, nhất là với loại hình dịch vụ thức ăn đường phố, đang khiến cho tình trạng ngộ độc thực phẩm, hay các dịch bệnh lây lan qua con đường ăn uống ngày càng căng thẳng và phức tạp. Gần như ngày nào ở nước ta cũng xảy ra một vài vụ ngộ độc thực phẩm, vụ nhỏ thì dăm ba người “miệng nôn, trôn tháo”, còn lớn tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả ngàn người phải nhập viện điều trị.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, tính đến hết quý 3-2012, cả nước ghi nhận 142 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người mắc, trên 3.734 người đi cấp cứu và 28 người chết. So với cùng kỳ năm ngoái cho thấy, số vụ ngộ độc, số người bị ngộ độc và nạn nhân tử vong do thực phẩm độc hại đều tăng từ 13,6% đến hơn 33%. Đặc biệt, có trên 56% số vụ ngộ độc xảy ra trong gia đình, điều này cho thấy thức ăn đường phố đang có tác động tiêu cực không nhỏ và liên quan tới ngộ độc xảy ra ở gia đình. Bởi lẽ, lâu nay, nhiều loại thực phẩm, thức ăn đường phố được rất nhiều gia đình, cũng như người tiêu dùng lựa chọn sử dụng vì sự tiện lợi và kinh tế do giá thành khá rẻ, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.
An toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi mà còn tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa và an sinh, an toàn xã hội. Do đó việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm lúc nào cũng là việc làm cấp thiết. Đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm hơn trong việc quản lý lĩnh vực “nhạy cảm” này, nếu không người dân sẽ tiếp tục phải lo lắng và bị nguy hại sức khỏe, tính mạng khi chuyện ăn uống hàng ngày ngày càng nguy hại, không bảo đảm an toàn.
NGUYỄN QUỐC