Bình Hưng - một đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh thuộc TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - nơi được ví như thiên đường của dân “phượt” từ Bắc chí Nam. Nhưng đằng sau những lời ca tụng đẹp về Bình Hưng, ít ai biết nơi đây cũng có những điều trăn trở.
Đảo du lịch
Đảo Bình Hưng thuộc xã Cam Bình. Đảo không rộng, ít dịch vụ, bãi biển nhỏ và không nhiều; nhưng đổi lại biển nơi đây rất sạch, hoang sơ, hải sản giá chỉ bằng 1/3 đất liền. Chỉ từng ấy thôi cũng đã cuốn hút những du khách thích khám phá.
Từ xưa, dân đảo Bình Hưng muốn vào đất liền phải mất hàng giờ đi tàu xuyên qua vịnh Cam Ranh. Kể từ năm 2014, khi tuyến đường ven biển dài 106km, nối liền hai tỉnh Ninh Thuận - Khánh Hòa hình thành thì việc đến Bình Hưng chỉ hơn chục phút đi tàu. Muốn đến Bình Hưng, du khách chỉ cần đi tàu từ bãi Kinh thuộc xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) với hải trình chưa đầy 1km. Một nhóm khách đến từ Hà Nội cho biết, họ có 10 người tổ chức đi du lịch Nha Trang, nhưng khi đến thành phố này chỉ thuê 1 phòng khách sạn với giá 350.000 đồng làm điểm dừng chân. Trong tour du lịch của nhóm này, họ chọn hai đảo Bình Ba và Bình Hưng của xã Cam Bình làm nơi du lịch chính. “Đến Nha Trang biển chật, người đông, hải sản lại đắt đỏ… Còn du lịch ra đảo tiết kiệm hơn nửa chi phí, lại được trải nghiệm những vùng đất mới nên rất thú vị”, một du khách Hà Nội đúc kết.
Một nhà hàng nổi trên đảo Bình Hưng
Người dân Bình Hưng vốn bình dị, nhưng 2 năm nay, cuộc sống đô thị được nhiều du khách mang ra đảo. Ông Huỳnh Văn Lưu, Trưởng thôn Bình Hưng, là thợ nuôi tôm hùm nhưng từ khi du lịch phát triển trên đảo, ông cũng tham gia làm du lịch. Theo ông Lưu, làm cũng vì kiếm thêm thu nhập, nhưng cái chính là cuộc sống thực tại buộc ông cùng tham gia, hòa nhập với dân đảo.
Bình Hưng có diện tích chưa đầy 2km², toàn thôn hiện có 375 hộ với hơn 1.800 nhân khẩu. Xưa nay, dân Bình Hưng dựa vào nghề đánh bắt hải sản, nuôi tôm hùm làm kế sinh nhai. Còn làm du lịch thì chỉ mới khởi động vài năm gần đây, chính là nhờ dân phượt khi đặt chân tới đây rồi về lan truyền trên các mạng xã hội. Vậy nên, Bình Hưng nhanh chóng nổi tiếng đó đây. Dù không có thống kê nhưng vào ngày cuối tuần, ngày hè, lễ, tết… Bình Hưng luôn quá tải. Khách đến đông, người dân cũng háo hức xây dựng hạ tầng phục vụ khách. Ngoài các biệt thự 4-5 sao đã xây cách đây từ lâu, trong 2 năm qua Bình Hưng ghi nhận hàng chục nhà nghỉ, khách sạn nhỏ mộc lên. Thậm chí có người còn đầu tư cả chuỗi hệ thống du lịch, từ nhà nghỉ, khách sạn cho đến nhà hàng nổi và tổ chức các tour tham quan trên biển.
Băn khoăn “đảo ngọc”
Nhiều khách bình chọn Bình Hưng là thiên đường cho đối tượng khách “phượt”, thế nhưng, mỗi khách đến đây đều có những bực mình nhất định. Chuyện là từ khi con đường đi đến Bình Hưng được khai thông, một công ty của tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại bãi Kinh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nếu du khách muốn qua Bình Hưng, họ phải băng qua khu du lịch này để đến điểm xuất phát bằng tàu. Nắm được điểm yếu này, chủ đầu tư dự án du lịch đã dựng lên một cái cổng, buộc tất cả du khách đều phải mua vé qua cổng với giá 20.000 đồng/khách/lượt. Điều này khiến du khách ai cũng bực mình.
Nhưng có lẽ, những người dân Bình Hưng còn bực mình hơn khi họ nghĩ rằng Bình Hưng “mời khách tới” nhưng vẫn thu phí qua cổng. Chưa hết, khách đặt chân lên Bình Hưng, khi đến tham quan ngọn hải đăng Hòn Chút, nằm trên đỉnh đảo. Điều lạ là trong khuôn viên của trạm hải đăng, nếu du khách muốn vào tham quan chụp ảnh phải nộp phí 10.000 đồng/lượt/khách. Thực tế này được đơn vị quản lý là Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung bộ giải thích là “để phục vụ vệ sinh môi trường”. Anh Nguyễn Bạch Hưng đến từ TPHCM bức xúc, từng ấy tiền qua cổng, hay nộp phí tham quan ngọn hải đăng không nhiều, nhưng bực nhất vì đây là tiền lệ chưa nơi nào có.
Đến Bình Hưng, không thể bỏ qua hệ thống nhà hàng nổi ở đây. Các nhà hàng nổi ở đây bán hầu như tất cả các loại hải sản mà du khách ưa thích. Hải sản ở đây rất tươi và rẻ hơn nhiều điểm du lịch khác dọc biển miền Trung. Thế nhưng, điều ái ngại ở đây chính là vấn đề nước thải. Qua quan sát của chúng tôi, nước thải ở các nhà hàng đều tống thẳng xuống biển mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, kể cả các loại nước thải nguy hại cho môi trường. Còn hệ thống nhà vệ sinh, hầu hết các nhà hàng nổi ở Bình Hưng đều không có, nên bao thứ cũng đều đổ xuống biển. Một số người dân cho biết, có ngày hệ thống nhà hàng nổi tại đây đón hàng ngàn lượt khách, do đó nguồn nước quanh các nhà hàng đang ô nhiễm dần. Trong khi đó, cách các nhà hàng này không xa là các lồng nuôi tôm hùm, vốn là thế mạnh và nghề chính của dân Bình Hưng.
Theo bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, ngành du lịch cũng ái ngại kiểu du lịch tự phát, tuy nhiên loại hình này không cấm nên ngày càng nhiều người tham gia. Vậy nên cách tốt nhất bây giờ là cố gắng đảm bảo an toàn cho các điểm du lịch mới, cũng như ngăn chặn các nguy cơ ô nhiễm môi trường.
VĂN NGỌC