Từ ngày 3 đến 6-11 vừa qua, đoàn công tác của Sở Công thương TPHCM đã đi thực tế, khảo sát nguồn hàng, năng lực cung ứng, đồng thời thực hiện hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với 2 địa phương là Bến Tre và Đồng Tháp. Nói như bà Lê Ngọc Đào, mỗi lần trở lại các tỉnh này thì các mặt hàng có thế mạnh, hàng đặc sản trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị lại đầy hơn, ngon hơn và đẹp mắt hơn. Đặc biệt, tình cảm, sự nhiệt tình và niềm tin của lãnh đạo và DN của Bến Tre và Đồng Tháp dành cho TPHCM lúc nào cũng tràn đầy và ấm áp!
Nhưng điều khiến chúng tôi nhói lòng là có quá nhiều câu hỏi mà DN tại đây đã chia sẻ, làm gì để giúp họ thoát ra khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”? Làm thế nào để họ có thể bán được hàng vào TPHCM? Hoặc làm gì để tăng sản lượng cung cầu hàng hóa, giúp các tổ hợp tác, xã viên và người nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống… Liên kết, hợp tác với TPHCM luôn là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo các tỉnh, thành cũng như các DN. Họ xem đó cũng là một phương cách bổ sung cho nguồn nội lực, cho tư duy điều hành kinh tế của tỉnh, nói rộng ra là phương cách để giúp các tỉnh, ở đồng bằng sông Cửu Long không còn “khuất nẻo”.
Sau 4 năm triển khai các nội dung trong Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, mà cụ thể là nội dung về kết nối cung cầu hàng hóa, đã xúc tiến 867 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giá trị giao dịch tương ứng trên gần 20.000 tỷ đồng/năm; trong đó TPHCM tiêu thụ trên 13.000 tỷ đồng/năm và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trên 6.000 tỷ đồng/năm. Trong số đó, Bến Tre và Đồng Tháp, số lượng và giá trị hợp đồng với các địa phương lần lượt là 32 hợp đồng và 700 tỷ đồng/năm; 35 hợp đồng và 500 tỷ đồng/năm.
Với những con số này, mặc dù được đánh giá là còn rất hạn chế so với khả năng cung cầu của các bên, nhưng vẫn chưa loại trừ thực tế là không phải tất cả các hợp đồng đã ký kết giữa các đơn vị đều được triển khai. Cũng không phải tất cả các mặt hàng đã đưa vào được siêu thị là bán được hàng, không bị trả về… Các nguyên nhân chính đã được chỉ ra, là do thiết bị máy móc lạc hậu, khả năng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản lý còn yếu. Sản phẩm còn sản xuất thủ công, mẫu mã chưa bắt mắt, chi phí sản xuất còn cao, công nghệ bảo quản lạc hậu, nhất là đối với nhóm hàng tươi sống dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Sản phẩm đưa vào siêu thị chưa đạt được những yêu cầu cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt nhóm rau củ quả chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chủng loại, thời gian giao hàng cho các siêu thị. Các loại cây, con giống chưa cải tiến nên năng suất và chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Một số mặt hàng nông sản chưa đạt được tiêu chuẩn cơ bản như VietGap, GlobalGAP, chưa có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm… Tuy nhiên, còn một vấn đề mấu chốt là thiếu thông tin về cung, cầu giữa các DN phân phối và người sản xuất.
Để kết nối mang tính bền vững, chúng ta cần thống nhất phương thức thu mua, quy cách, chất lượng, mẫu mã, số lượng, thương hiệu, giá cả, cách thức giao nhận sản phẩm vào hệ thống phân phối. Qua đó, địa phương sẽ định hướng quy hoạch phát triển vùng và liên vùng nguyên liệu, các dự án kêu gọi đầu tư, giúp cho các DN TPHCM định hướng, lựa chọn địa điểm thích hợp để quyết định đầu tư hệ thống phân phối của mình. Phía TPHCM cũng cần thông báo thật cụ thể về định hướng, ưu tiên phát triển sản phẩm ra sao, khi đi thực tế kiểm tra, nếu sản xuất vẫn chưa đạt yêu cầu ở một công đoạn nào đó, có thể chỉ cho DN thấy để khắc phục. Việc hỗ trợ DN địa phương trong khâu thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu cũng quyết định sự thành công trong quá trình hợp tác.
Và điều đọng lại sau mỗi chuyến đi, đó là sự khát khao được gặp gỡ, chia sẻ, tiếp cận của các DN ở các tỉnh miền Tây với DN TPHCM. Dường như họ đang có quá ít không gian về mua - bán hàng hóa. Ai sẽ giúp DN định hướng sản xuất đúng và bán được hàng? Có lẽ, DN không thể tự bơi mãi được mà cần bàn tay can thiệp của nhà nước, trong vai trò của một “bà đỡ”! Thành công của tỉnh Hà Nam trong mấy năm gần đây đã chứng minh rất rõ điều này.
THÚY HẢI