Trắng đêm cùng “vàng trắng”

Cạo mủ cao su là công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với công nhân nữ. Nhiều năm trước, khi giá “vàng trắng” ở mức cao, mỗi công nhân cạo mủ cao su thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng nay chỉ còn 4 - 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp như vậy, nhưng họ vẫn phải bám nghề, bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền triền miên dồn đuổi.
Trắng đêm cùng “vàng trắng”

Cạo mủ cao su là công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với công nhân nữ. Nhiều năm trước, khi giá “vàng trắng” ở mức cao, mỗi công nhân cạo mủ cao su thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng nay chỉ còn 4 - 5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp như vậy, nhưng họ vẫn phải bám nghề, bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền triền miên dồn đuổi.

Lạnh buốt giữa rừng đêm

Hơn 1 giờ sáng, chúng tôi thức dậy để theo chân các nữ công nhân Nông trường cao su Long Nguyên (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) để chứng kiến một ngày làm việc của họ. “Đồ nghề” của nữ công nhân Lê Thị Hải được đựng khá gọn gàng trong xô nhựa, gồm một con dao cạo, hộp diêm, nước uống và vài cây nhang muỗi. Trời trở lạnh, ngoài bộ đồng phục công nhân bên trong, chị Hải còn khoác thêm áo ngoài, chân đi ủng cao đến gần đầu gối. Chuẩn bị xong mọi thứ, chị với tay lấy chiếc đèn pin đội lên đầu, nói vui: “Ánh sáng cho cuộc hành trình xuyên đêm đây”.

Vợ chồng đỡ đần nhau trong lao động

Sương xuống, càng vào sâu bên trong lô cao su, cái lạnh càng lúc càng siết lấy chúng tôi, dù đang mùa hè. Vừa đến nơi, chị Hải khẩn trương tháo lớp vải quấn trên lưỡi dao, bắt tay ngay vào công việc. Chị bảo hôm nay lạnh hơn thường ngày nhưng chị thấy ấm lắm vì có chúng tôi đồng hành, thường ngày chị chỉ đi một mình. Gia đình chị có 2 suất công nhân, những năm trước mủ được giá, thu nhập cao nên chị mướn thêm người làm. Nhưng giờ giá mủ xuống, hai vợ chồng làm chỉ đủ ăn, nên không dám mướn thêm, công việc vì vậy rất vất vả. Phần của chị tổng cộng có gần 500 cây, trung bình mỗi ngày chị mất từ 3 - 4 giờ để cạo. Năng suất mủ cao su phụ thuộc vào tay nghề của người cạo. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Hải đã trở thành tay cạo lành nghề, có nhiều kinh nghiệm. Bất kể mùa nắng hay mưa, đông hay hè, chị ra lô cao su đều đặn mỗi ngày.

Giữa không gian tối mịt mù, xa xa thấp thoáng có ánh đèn le lói. Chị nói, đi cạo mủ đêm khuya buồn lắm, việc ai người nấy làm, không ai trò chuyện với ai cả. Mặc dù đã gắn bó lâu với nghề nhưng chị vẫn sợ cảm giác lạc lõng một mình trong lô cao su. Vậy nên, chỉ cần được nhìn thấy những ánh đèn của đồng nghiệp từ các lô cao su xa xa là chị cảm thấy yên lòng.

Chúng tôi băng tắt ngang qua nhiều hàng cây, đến phần lô của chị Lê Thị Hà. Chưa kịp chào hỏi, chị Hà đã chỉ tay xuống đất, ra dấu cho chúng tôi cẩn thận vì chị vừa nhìn thấy con rắn nhỏ bò ngang qua: “Vào đây là phải nhìn xuống đất quan sát, cỏ cây rậm rạp, hiểm nguy chực chờ, rắn, rết, bò cạp... luôn nấp sẵn đâu đó dưới lùm. Không ít người bị rắn rết cắn, phải nhập viện đó!”. Chúng tôi thoáng chút rùng mình khi nghe chị nói. 3 giờ sáng, chị Hà đã hoàn thành được một nửa công việc, đôi mắt thâm quầng. Quần quật với công việc, ít có thời gian chăm chút, chị trải lòng: “Thiếu ngủ triền miên, ban đầu tôi có đắp lá chè xanh để giảm quầng thâm, sau rồi cũng bỏ luôn”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi chốc chốc phải dừng lại gỡ mấy cây mắc mèo và cỏ may bám vào chân. Vừa dứt đường cạo, chị Hà bất ngờ rút trong bao đồ ra thanh nhang muỗi, cắm cán nhang rồi ghim vào áo chúng tôi. Trong lúc chúng tôi còn e dè vì mùi nhang khá nồng, chị cười: “Có hôm đi vội, tới lô mới biết quên mang theo hộp nhang muỗi. Nhưng, dù trễ cỡ nào cũng phải chạy sang lô kế bên xin đồng nghiệp một khoanh nhang, chứ không thì sẽ không tài nào chuyên tâm cạo được với đám muỗi”.

Tai nạn rình rập

Để gắn bó dài lâu với nghề cạo mủ cao su là điều không dễ dàng với phụ nữ. Tháo đôi ủng đang mang, chị Hà chỉ vào vết sẹo còn hằn rõ trên nền da khô ráp, nứt nẻ: “Đó là vết tích sau lần chị giẫm phải miểng chén trong rừng cao su”. Chị Hà kể, nhiều hôm đang cạo, nghe có tiếng xe chạy vào lô là tim như thót ra, bởi vào đây lỡ gặp cướp, có la lên cũng không ai ứng cứu kịp. Để phòng rủi ro, chị chỉ dám chạy chiếc xe “cà tàng” đi cạo mủ. Vậy mà bọn đạo chích cũng không chừa, chiếc xe máy ấy đã “không cánh mà bay”.

Chị T. (công nhân Nông trường cao su Long Nguyên) kể, một đêm đầu tháng 5, khoảng 2 giờ, khi chị đang tập trung cạo mủ, đột ngột bị kẻ xấu ôm quàng từ sau lưng. Chị hoảng loạn hét lớn. Rất may, chồng chị đang làm việc ở lô cao su gần đó, kịp thời chạy đến ứng cứu. Kẻ bất lương vùng chạy mất hút vào đêm đen. Không chỉ cực nhọc làm việc, nữ công nhân cạo mủ còn nơm nớp nỗi lo bị cướp, hiếp. Đã có không ít trường hợp họ gặp nạn trong đêm vắng giữa rừng cao su. TAND cấp cao tại TPHCM vừa xét xử phúc thẩm vụ án Lò Văn Phóng (24 tuổi, quê Sơn La) giết người, hiếp dâm và cướp tài sản. Nạn nhân là chị K. (32 tuổi), công nhân cạo mủ cao su ở Tân Uyên, Bình Dương. Giữa đêm khuya, thấy chị K. trên đường vào lô cao su một mình, Phóng cùng đồng bọn kéo nạn nhân vào lô cao su, gần nghĩa địa. Tại đây, 2 thanh niên thay nhau hãm hiếp nạn nhân đến bất tỉnh. Khi chị K. tỉnh lại kêu cứu, liền bị chúng cầm khúc cây và tấm bia mộ đánh đến chết. Gây án xong, hai hung thủ tháo bộ vòng ximen cùng đôi bông tai, rồi ném thi thể nạn nhân xuống hố.

Mới đây, chị Ng.Th. H. (ở thị xã Bến Cát, Bình Dương) trở thành nạn nhân của bọn cướp. Chị H. điều khiển xe máy đi mua mủ cao su tại khu vực xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), khi đến đoạn đường vắng thì bị 2 thanh niên đi trên xe máy, ép chị dừng xe lại. Bất ngờ bọn chúng siết cổ chị, sau đó cướp chiếc túi xách treo trên xe. Bên trong túi xách có 2 điện thoại di động và 13 triệu đồng. Cướp tài sản xong, chúng đẩy nạn nhân ngã xuống đường rồi lên xe tẩu thoát. Cơ quan Công an tỉnh Bình Dương và Bình Phước cùng cho biết, thời gian gần đây, trên các tuyến đường vắng trong vườn cao su tại các huyện xuất hiện một số đối tượng bất lương canh người dân, đặc biệt là phụ nữ đi làm, chặn đường hành hung nhằm cướp tài sản, hãm hiếp.

4 giờ 50 sáng, khi chúng tôi ngáp vắn ngáp dài, mệt mỏi lê từng bước, thì những đường cạo cuối cùng của chị Hà cũng vừa dứt. “Chuẩn bị về thôi”, chị Hà nói. Tiếng gà gáy từ phía xa văng vẳng vọng lại.

Hàng ngày, công nhân cao su miệt mài với công việc suốt từ 2 giờ sáng

Tất bật khi nắng lên

7 giờ, mặt trời đã lên cao từ lâu nhưng trong lô cao su, không gian vẫn còn mờ ảo. Tia nắng đầu tiên trong ngày đổ xuống rừng cây như những cái giếng khổng lồ, cao vút, gờn gợn khói.

Chúng tôi ghé nơi tập kết mủ cùng nhiều anh chị em công nhân khác sau khi họ cạo mủ xong. Những chiếc võng bằng vải dù đưa chúng tôi vào một giấc ngủ sâu, mặc dù chỉ chợp mắt độ hơn một giờ. Công nhân xa nhà thường ở lại, tranh thủ mắc võng nằm chợp mắt trong khi chờ đến giờ giao mủ. Sự mệt mỏi thể hiện ngay trong từng hơi thở, giữa không gian bạt ngàn cao su, tiếng ngáy ngủ nghe vang đến nao lòng.

Bị đánh thức bởi nhiều tiếng ồn, chị Cao Thanh Luyến thức dậy dùng bữa sáng. Cầm ổ bánh mì trên tay, chị Luyến tế nhị: “Em thông cảm, chị vừa nói chuyện vừa tranh thủ ăn sáng nghen, vì sắp tới giờ đi trút mủ rồi”. Nghe hỏi về con cái, chị Luyến nói: “Chị cho tụi nó tiền ăn sáng, chắc giờ đã đến trường rồi. Hai đứa con chị ngoan lắm, biết ba mẹ vất vả nên đứa lớn chăm đứa nhỏ khi ba mẹ đi làm, ngày nào cũng vậy nhưng lo lắm em à! Bé lớn nhà học lớp 4, bé nhỏ mới lên 2, ba mẹ thường xuyên vắng nhà nên bất trắc rất dễ xảy ra. Biết là vậy, nhưng nỗi lo cơm áo đè nặng, trong khi chị chưa biết tìm việc gì để chuyển nghề. Đành vậy!”.

Gần 8 giờ sáng, mọi người bắt tay vào trút mủ. Đổ ào tô mủ vào trong thùng, chị Hải đưa tay lên quệt hàng mồ hôi trên trán. Thùng mủ đã gần chạm mép, mỗi bước đi của chị nặng nhọc hơn. Chị kể: “Những hôm trời nắng còn đỡ cực, mưa là hối hả như chạy giặc. Những ngày mưa bất chợt, công nhân phải nhanh chóng trút hết mủ vào thùng, phủ bạt. Nếu bị dính nước mưa, chất lượng mủ kém, coi như thu nhập giảm”.

Từ xa, anh Trang chồng chị Hải đi tới. Anh nói, mình muốn đỡ đần cho vợ, nhưng ngặt nỗi anh cũng có phần cây riêng của mình. Lô của anh nằm cách đó 3km, tranh thủ làm xong liền chạy sang giúp vợ. 11 giờ, công việc hoàn tất, mọi người tất tả với việc nhà. Những công việc lặp đi lặp lại, ngốn hết thời gian nghỉ ngơi: nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, giúp con cái ôn bài... Tôi hỏi chị Hải về khoảng thời gian dành riêng cho bản thân, chị chạnh lòng: “Làm gì có em ơi! Nhưng chị gắn bó với nghề cạo mủ vì nghề này không sang nhưng đã là cái nghiệp, có phải muốn bỏ là bỏ được đâu”. Với các nữ công nhân này, cạo mủ sao su là một nghề chứa đựng cả những mùi vị buồn vui, sướng khổ, ngọt bùi, đắng cay.

Chúng tôi tranh thủ chào từ biệt, vì biết rằng họ cần một giấc ngủ ngắn, để 1 giờ khuya lại thức giấc, chuẩn bị dụng cụ để ra lô cao su, bắt đầu tất bật một ngày làm việc mới.

Đến nay, giá mủ cao su vẫn chưa mấy cải thiện, sau cú rớt giá “chạm đáy” hồi đầu năm 2016 (26 triệu đồng/tấn). Tại nhiều công ty, công nhân cạo mủ cao su xin nghỉ việc hàng loạt. Riêng Nông trường cao su Long Nguyên (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), năm 2011 có hơn 800 công nhân, nay chỉ còn chưa đến 400 người, với hơn 50% là nữ.

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục