(SGGPO). - Rạng sáng ngày 22-3 (tức 25-2 âm lịch), Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Xã Tắc năm 2017 tại đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm trong vòng gần một giờ đồng hồ theo các nghi lễ và vật phẩm được định rõ trong sách sử.
Khác với những năm trước đây, lễ tế thường do diễn viên sắm vai "vua", lễ tế Xã Tắc năm nay do ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đích thân làm chủ lễ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Dung cùng đại diện các bô lão hành lễ tại lễ tế Xã Tắc 2017
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là lễ tế thật chứ không phải sân khấu hóa như những năm đầu tổ chức. Năm nay, cũng không có cảnh đoàn ngự đạo rước “vua" diễn viên từ hoàng cung đến đàn tế và rước “vua” hồi cung sau khi tế xong.
Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống rất quan trọng ở nước ta trước đây nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình. Các triều đại độc lập ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa xuân hàng năm và luôn xem đây là quốc lễ. Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong Kinh thành Huế.
Lễ vật dâng tiến tại lễ tế Xã Tắc năm 2017
Với tính chất là một nghi lễ cung đình, đã được nghiên cứu và phục hồi thành công và trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Đáp ứng nguyện vọng của người dân luôn mong mỏi được dâng hương cầu nguyện, cùng đồng cảm trong hoài vọng quốc thái dân an, phong điều vũ thuận đem lại hạnh phúc cơm no áo ấm cho nhân dân, Lễ tế Xã tắc đã được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008. Từ đó đến nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, và đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận và giới chuyên môn”- ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
VĂN THẮNG