Tại diễn đàn, chủ nhiều trang trại chia sẻ, không tiếp cận được vốn vay ưu đãi mà phần lớn vay vốn thương mại với lãi suất cao hơn nhiều lần.
Nguyên nhân chủ yếu là các thiết bị nhập ngày càng tiên tiến hiện đại thì nằm ngoài danh mục vay của ngân hàng nên không được phê duyệt. Ngoài vốn, chủ các trang trại đề nghị thay đổi quy định sở hữu đất do không còn phù hợp.
Hiện nay, một trang trại chỉ sở hữu tối đa 3ha đất nhưng phần lớn trang trại hiện nay có diện tích lớn nên phải nhờ người thân đứng tên. Từ đó dẫn đến khó khăn trong vay vốn và ký kết hợp đồng hợp tác do cần phải có người đứng chung đất trang trại đi ký giấy tờ.
Theo Bộ NN-PTNN, đến nay cả nước có khoảng 150.000 trang trại với diện tích đất sử dụng khoảng 900.000 ha. Kinh tế trang trại phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhưng chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình. Hầu hết các trang trại có quy mô đất đai còn hạn hẹp, vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng, vốn vay của tổ chức tín dụng, ngân hàng còn chiếm tỷ trọng thấp.
Trong năm 2016, TPHCM đã phê duyệt 792 quyết định, 2.185 hộ được hỗ trợ lãi vay, vốn đầu tư 1.387 tỷ đồng, vốn vay 901 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai chương trình đến nay, TPHCM đã phê duyệt 6.668 quyết định với 20.757 lượt hộ vay, tổng vốn đầu tư 9.563 tỷ đồng, vốn vay 5.873 tỷ đồng.