Mỗi năm, các nhà máy chế biến phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu sữa nước ngoài, trong khi nhiều trường hợp người mới nuôi bò sữa ở Long An hay Lâm Đồng phải chật vật tìm cách bán lượng sữa vắt được hàng ngày, có lúc phải cho heo uống, thậm chí đổ bỏ. Câu chuyện này cũng đang tái diễn ở phía Bắc, khi hàng trăm hộ nuôi bò sữa ngoại thành Hà Nội đang “đắng lòng” trước việc nhà máy chế biến sữa không tiếp tục ký hợp đồng mới.
Người nuôi bò sữa TPHCM đã từng gặp tình trạng này cách đây 20 năm khi đàn bò sữa TP phát triển ở giai đoạn đầu và việc liên kết với Vinamilk chưa được bài bản như hiện nay. Lúc đó xảy ra tình trạng, khi giá sữa tươi ngoài thị trường cao hơn giá Vinamilk mua, người dân “bẻ kèo” bán ra ngoài phần lớn. Ngược lại, khi giá thị trường thấp hơn, lượng sữa vắt được bà con bán hết cho nhà máy. Việc này làm quan hệ hai bên đôi khi trở nên lạnh nhạt. Nhà máy có lý do không mua hết lượng sữa của người nuôi bò do không ổn định nguồn hàng, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, dẫn đến tình trạng dư thừa, phải cho heo uống hay đổ bỏ.
Vụ việc hiện nay khiến những người trong ngành nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Thời buổi hội nhập và liên kết, sự tự phát đồng nghĩa với nguy cơ. Khó có chuyện thấy “người ta ăn khoai”, mình cũng “vác mai đi đào” nếu chưa có sự liên kết trước đó giữa người nuôi với nhà máy để đảm bảo đầu ra, đặc biệt với sữa tươi, sản phẩm rất nhạy cảm với việc lây nhiễm vi sinh; các nhà máy mua sữa chế biến xem đây là vấn đề quan trọng trong giao dịch mua bán với người nuôi.
Có vị chuyên gia từng ví, nếu chăn nuôi là đỉnh cao của nông nghiệp thì nuôi bò sữa là đỉnh cao của ngành chăn nuôi. Điều này cho thấy, nuôi bò sữa không đơn giản như nuôi con heo, gà hay vịt. Vì vậy, nhiều nước quy định, muốn nuôi bò sữa phải được đào tạo những kiến thức căn bản về cách thức chăm sóc bò từng giai đoạn khác nhau, cũng như khuyến cáo phải có diện tích trồng cỏ phù hợp với lượng bò được nuôi.
Không chỉ bò sữa, với bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp của người nông dân. Có kiến thức chuyên môn, nắm bắt thông tin hàng ngày như cách nông dân trồng hồ tiêu, cà phê nắm qua internet, giúp bà con tự tin để trở thành những “nông dân thông minh” khi quyết định trồng cây hay vật nuôi nào đó. Bài học liên kết giữa các nông dân với DN thông qua tổ hợp tác, HTX và kết nối nông dân với nhà máy là điều nên làm, giảm bớt tình trạng tự phát.
Câu chuyện trên còn cho thấy một khía cạnh khác: Do giá sữa nguyên liệu thế giới đang giảm mạnh, thấp hơn giá mua sữa tươi trong nước 30% - 40%, nên việc các nhà máy “chưa vội” mua nguyên liệu sữa của những hộ nuôi mới cũng là chuyện dễ hiểu. Trong quá trình hình thành và phát triển mô hình bò sữa nông hộ ở TPHCM đã phát sinh nhiều hiện tượng, không chỉ có chuyện “vác mai” mà con cả chuyện “trăng và đèn”.
Năm 2007, khi giá sữa nguyên liệu thế giới tăng mạnh, chỉ trong 1 tháng, giá sữa nguyên liệu trong nước được các công ty nâng lên 3 lần để “o bế” người nuôi, nhằm thu hút lượng sữa bò bán cho nhà máy, trong khi trước đó, từng có giai đoạn gần chục năm giá sữa nguyên liệu không tăng.
Điều cần nói ở đây, không nên “thấy trăng” mà “phụ đèn”. Đàn bò sữa trong nước không thể cung cấp hết 100% nguyên liệu chế biến, nhưng việc có nguồn nguyên liệu đủ mạnh trong nước sẽ là sự đảm bảo căn cơ cho sự phát triển của cả 2 bên, người nuôi và nhà máy. Khi giá nguyên liệu thế giới tăng cao, chính vùng nguyên liệu trong nước là sự đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của nhà máy. Với người nuôi, không chạy theo phong trào, làm giá giống bò sữa tăng mạnh.
Điều quan trọng là áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất sữa, giảm giá thành để tăng lợi nhuận. Nhà máy và người nuôi bò sữa là một chuỗi liên kết, đảm bảo sự hài hòa cao nhất cho người tham gia trong chuỗi liên kết này.
ĐĂNG LÃM