Tránh “cái sảy nảy cái ung”…

Tránh “cái sảy nảy cái ung”…

Gần đây, Ban Bạn đọc Báo SGGP tiếp nhận nhiều đơn thư của bạn đọc nhờ can thiệp giải quyết những vụ như: lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, tranh chấp nhà đất, mất đoàn kết xóm làng… Nhận thấy ý kiến bức xúc của bạn đọc là có cơ sở, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương và nhờ có sự phối hợp này, nhiều trường hợp được giải quyết ngay.

Tránh “cái sảy nảy cái ung”… ảnh 1

Luật sư Vĩnh Đại, Đoàn Luật sư TPHCM đang tư vấn pháp luật cho bạn đọc tại phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP. Ảnh: NGỌC HIẾU

1- Hẻm số 40 đường Lam Sơn phường 2 quận Tân Bình rộng 8m nhưng mới đây bị một số hộ dân lấn chiếm nên hẻm bị thu hẹp chỉ còn khoảng 3m. Hẻm nhỏ, người dân đi lại khó khăn đã nảy sinh tranh chấp dẫn đến mất đoàn kết giữa bà con trong xóm với nhau.

Thậm chí có người uất ức đến nỗi phải bán nhà, bỏ đi nơi khác. Việc lấn hẻm chung thành nhà riêng trở thành vấn đề “nóng” trong các cuộc họp tổ dân phố, khu phố, chi bộ nhưng dù họp nhiều, bàn thảo nhiều, sự việc vẫn không giải quyết được.

Khi bạn đọc phản ánh với Báo SGGP, phóng viên cùng với Phó chủ tịch UBND phường 2 xuống “hiện trường” khảo sát và làm việc.

Sau khi nghe bà con trong tổ dân phố trình bày và xem bản vẽ quy hoạch trên giấy, tất cả mọi người đều thừa nhận việc lấn hẻm là sai. Đồng chí Phó chủ tịch phường kết luận: Con hẻm rộng 8m phải trả lại đúng diện tích quy định. Ai lấn chiếm thì phải tự giải tỏa để trả lại lòng đường thông thoáng. Tại buổi làm việc,100% hộ dân đều đồng ý sẽ tự giải tỏa phần mà mình lấn chiếm. Sau buổi làm việc, mọi người thở phào... Tất nhiên, mọi chuyện còn chờ thời gian trả lời nhưng lòng dân đã yên khi thấy chính quyền chia sẻ bức xúc với họ và quyết tâm xử lý vi phạm.

2-
Mới đây, bà Trần Thị Nuôi, 64 tuổi, ngụ tại 3C đường Lương Hữu Khánh phường Phạm Ngũ Lão quận 1 TPHCM cũng tìm đến Ban Bạn đọc Báo SGGP than phiền về việc bà Trần Thị Tư, ngụ tại 3A đường Lương Hữu Khánh (hàng xóm) làm mái tôn lấn chiếm không gian gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của gia đình bà. Bà Nuôi đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường và quận nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Thấy sự việc tuy đơn giản nhưng để lâu sẽ phức tạp, chúng tôi liền liên hệ gặp Chủ tịch phường và hẹn ngày cùng cán bộ phường xuống “hiện trường” xem thực hư ra sao. Cùng đi thực tế để giải quyết chuyện của dân có đại diện UBND, Thanh tra xây dựng, Tư pháp phường. Sau khi leo lên nóc nhà của hai bà để quan sát, chúng tôi thấy phản ánh của bà Nuôi là đúng: mái tôn che trên cao của nhà bà Tư đã gây ảnh hưởng sang nhà của bà Nuôi. Sau khi nghe cán bộ phường phân tích và đề nghị bà Tư nên có biện pháp khắc phục, bà Tư đã “nghe ra” và hứa sửa chữa ngay. Còn bà Nuôi thì bảo: “Giá như sự việc được cán bộ phường quan tâm, giải quyết ngay từ đầu thì tôi đâu có phải đi kiện cáo làm gì cho mất công…”.

3-
Chị Trần Phương Bích Thu, ngụ tại 117/18 đường Điện Biên Phủ phường 15 quận Bình Thạnh TPHCM cũng phản ánh hộ ông Quý (ở kế nhà chị) ngang nhiên lấn đất hẻm, xây dựng trái phép. Mặc dù chính quyền phường đã xuống lập biên bản yêu cầu tháo dỡ, nhưng khi cán bộ phường đi rồi thì ông Quý tiếp tục xây dựng trái phép, thậm chí còn đúc bê-tông lên lầu.

Khi chị Thu làm đơn lên phường, quận yêu cầu giải quyết thì ông Quý sang nhà chị Thu chửi bới và định hành hung chị… Sự việc kéo dài đã lâu và rơi vào vòng luẩn quẩn không có lối ra nên chị Thu đành nhờ báo chí can thiệp.

Chúng tôi gặp đồng chí Chủ tịch phường 15 để hỏi ý kiến và đồng chí cho biết sẽ tổ chức họp dân để giải quyết ngay việc tranh chấp này. Chị Thu nói: “Trước đây, tôi cảm thấy hơi bi quan vì mình thấp cổ bé họng không được chính quyền giải quyết khiếu nại, nay tôi đã nghĩ khác. Đúng là chuyện gì rắc rối ở cơ sở nếu có mặt chính quyền thì giải quyết dễ hơn”.

Rõ ràng, một khi chính quyền cơ sở tích cực gần dân, hiểu dân thì việc gì dù khó đến mấy cũng được giải quyết một cách tốt đẹp, tránh được tình trạng dân khiếu kiện vượt cấp. 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục