Những vụ tranh chấp thương mại mới nhất giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang có những dấu hiệu ngày một nghiêm trọng. Từ đầu tháng 5 đến nay hai bên đã “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại” về các vụ pin năng lượng mặt trời, ống thép và thiết bị viễn thông, làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới.
Tiếng bấc, tiếng chì
Hãng Reuters ngày 18-5 đưa tin, Ủy viên phụ trách Ngoại thương của EU, ông Karel De Gucht lần đầu tiên đã tố cáo đích danh 2 tập đoàn Trung Quốc sản xuất các thiết bị viễn thông là Hoa Vi (Huawei) và ZTE (Trung Hưng) bán phá giá, vi phạm các quy định về cạnh tranh. Ông Karel De Gucht khẳng định Brussels đang chuẩn bị mở điều tra chính thức về những cáo giác vi phạm quy định chống phá giá và trợ giá sản phẩm của 2 tập đoàn Trung Quốc nói trên để bảo vệ lĩnh vực “chiến lược” của khối kinh tế này.
Đáp lại, trong một thông cáo gửi đến Reuters, tập đoàn Hoa Vi phủ nhận các cáo buộc cho rằng họ vi phạm luật cạnh tranh ở châu Âu cũng như ở các nơi khác và rằng Hoa Vi luôn tôn trọng các luật lệ và “chiếm được thị phần và lòng tin của khách hàng là nhờ vào công nghệ cải tiến và chất lượng dịch vụ chứ không phải nhờ vào giá cả hay việc trợ giá của nhà nước”. Nếu châu Âu mở điều tra nhắm vào 2 tập đoàn Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên khối này có hành động như thế vì từ trước tới nay việc làm như vậy vẫn do các tổ chức chuyên ngành thực hiện. Trung Quốc cho biết sẵn sàng đáp trả lại mọi điều tra của EU.
Gần đây các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng của EU như Ericsson, Alcatel-Lucent và Nokia Siemens Network vẫn kêu bị thiệt hại bởi 2 tập đoàn Trung Quốc xuất vào thị trường châu Âu những sản phẩm với giá quá rẻ. Ngược lại, trong một cuộc phỏng vấn của báo Trung Quốc China Daily, chủ tịch phụ trách thị trường Tây Âu của Hoa Vi đã tố cáo các đối thủ cạnh tranh của EU đổ lỗi cho các tập đoàn Trung Quốc cạnh tranh không sòng phẳng làm họ thua lỗ nhưng thực chất là do lười không chịu cải tiến.
Hai bên cùng thiệt
Thâm hụt thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc không ngừng gia tăng. EU bị nhập siêu so với Trung Quốc đến 120 tỷ EUR năm 2011. Đây chính là một vấn đề vừa mang tính kinh tế và chính trị. Công dân châu Âu hy vọng các nước mở cửa thương mại cho nhau như họ đã mở cửa đón các nước khác.
Giới phân tích đánh giá sự gia tăng căng thẳng phản ánh thực tế rằng cả hai bên đều đang cảm nhận áp lực từ sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ và sẽ đều bị thiệt hại nặng nề nếu như để những bất đồng tuột khỏi tầm kiểm soát. Sergio Marchi, người đứng đầu công ty tư vấn Marchi Group, nhận định: “Tôi cho rằng việc EU rơi vào vòng xoáy tăng trưởng âm có liên quan mật thiết đến những động thái thương mại của họ với Trung Quốc. Trong bối cảnh thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế, các nhà lãnh đạo chính trị EU muốn chứng tỏ với cử tri rằng họ không khoan nhượng trước những thách thức từ Trung Quốc. Tuy nhiên EU cần tránh “làm quá”. Trung Quốc hiểu những ý đồ chính trị, song họ không thích bị làm bẽ mặt trước công chúng. Nếu họ quyết định phản công, thì khi ấy chính EU sẽ bị mất thể diện”.
Trương Hán Lâm, Giáo sư Trưởng đại học Kinh tế và Ngoại thương tại Bắc Kinh, cho rằng: “EU đang phục hồi và chắc chắn cần sự hỗ trợ của thị trường toàn cầu, vì EU, cũng như Trung Quốc, là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài”. Vì thế, EU dự tính tung ra chiêu mới vào giữa tháng 6 tới, đó là đàm phán một Hiệp ước tự do thương mại với Mỹ. Ý đồ đằng sau hành động này chính là chống lại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên thương trường thế giới.
Vốn liếng EU dốc vào canh bạc này là rất lớn. Quan hệ thương mại EU - Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Trung Quốc hồi năm ngoái là 212 tỷ USD, và nhập khẩu là 334 tỷ USD. Theo giới phân tích, những nguy cơ thậm chí còn lớn hơn bởi lẽ ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh có vẻ như nhạy cảm hơn trước những biểu hiện xem thường.
VIỆT ANH (tổng hợp)