Những hình ảnh Ngày an toàn giao thông, Bảo vệ môi trường xanh, Chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội… từng quen thuộc trong mắt người dân qua nhiều góc đường phố. Đây cũng là những tác phẩm gắn liền với cuộc sống xã hội.
- Có mặt khắp nơi
Tranh cổ động (affiche) đã có mặt từ lâu trên thế giới, từ những tác phẩm khắc gỗ mang tính chất đấu tranh chống chúa đất của các họa sĩ Đức thế kỷ XVI. Sau này, thể loại tranh cổ động bùng phát, xuất hiện nhiều trong Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Tháng Mười Nga…
Ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thực tiễn cách mạng xã hội. Nó trở thành vũ khí sắc bén của cách mạng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước.
Thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước, tranh cổ động luôn đóng vai trò tuyên truyền, vận động thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước và khơi dậy các vấn đề thời sự, trách nhiệm của công dân như: thi hành nghĩa vụ quân sự; tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô; tiến quân vào khoa học, kỹ thuật; bảo vệ môi trường sinh thái …
Có thể nói, với vai trò, chức năng, ý nghĩa đặc thù, tranh cổ động luôn đi đầu và đồng hành với quần chúng trong cuộc sống.
- Vẽ theo “thời vụ”
Với vai trò tiên phong, cổ vũ tinh thần đấu tranh chống giặc, thi đua yêu nước, thi đua sản xuất, sức lôi cuốn của tranh cổ động đã thôi thúc các họa sĩ “vào cuộc” ngay từ buổi đầu tham gia kháng chiến, như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ… Theo tập sách Tranh cổ động Việt Nam 1945 - 2000 ấn bản sau này cho thấy một công trình thu thập khá nhiều tư liệu, tác phẩm của nhiều thế hệ họa sĩ vẽ tranh cổ động trong cả nước.
Có thể nhắc đến tên tuổi một số họa sĩ “có duyên” gắn bó với thể loại này: Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Văn Thuận, Trần Mai, Thục Phi, Đỗ Mạnh Cương, Huy Oánh, Nguyễn Thụ, Phạm Lung, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Xuân Đông, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam…
Nhiều tác phẩm tranh cổ động của họ đã để lại những dấu ấn một thời, khá quen thuộc với đông đảo quần chúng như bức Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Phan Thông, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của Nguyễn Thụ, Huy Oánh; Chung một ngọn cờ của Huỳnh Phương Đông; Bảo vệ Tổ quốc của Nguyễn Xuân Đông…
Giờ đây, tranh cổ động mang tính chất chính trị hay giáo dục cộng đồng gần như chỉ xuất hiện “thời vụ” so với sự phát triển mạnh mẽ của tranh quảng cáo (tuy rằng cả hai đều xuất phát từ thể loại đồ họa). Một số họa sĩ - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM đã nhận xét về tình trạng nghiệp dư hóa của đội ngũ vẽ tranh cổ động; thực sự số học viên có tay nghề vẽ tranh cổ động không nhiều. Đây là điều đáng lo ngại nếu muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả tranh cổ động.
- Cần độ rung cảm
Để tranh cổ động đi sâu vào đời sống người dân, muốn lay động, chinh phục được trái tim bao nhiêu con người, bản thân người vẽ tranh cổ động cũng phải rung cảm trước những vấn đề thời sự nóng hổi, quan trọng của dân tộc, đất nước. Để nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo tranh cổ động, không phải chỉ chạy theo “thời vụ”, mà rất cần sự khuyến khích, đào tạo lâu dài cho đội ngũ vẽ tranh cổ động.
Nghệ sĩ Linh Huyền (Giám đốc Công ty Mekong Artists) cho biết từ hoạt động nghề nghiệp, chị đã bắt gặp bộ sưu tập tranh cổ động Việt Nam của ông Dominic Criven (Anh). Điều bất ngờ đối với chị là sự trân trọng, yêu quý tranh cổ động Việt Nam của một người nước ngoài ở đây không nhằm vào tính chất thị trường mà là ý muốn bảo tồn tác phẩm của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam vẽ tranh cổ động.
Tranh cổ động cần được giữ gìn và phát huy tương xứng với nhiệm vụ quan trọng của nó.
KIM ỬNG