Tranh công cùng Hà bá

Con sóc già ở cầu Bình Lợi
Tranh công cùng Hà bá

Ông bà Ba Chúc (Nguyễn Văn Chúc, 57 tuổi) tiếp tôi tại khu vực phòng khách, nơi ăn uống, ngủ nghỉ và cũng là phòng… cấp cứu tổng hợp. Trên chiếc xuồng chừng hơn 3m², chỗ này là nơi tương đối rộng rãi nhất. Cách đó chục mét, cây cầu Bình Lợi náo nhiệt ngày đêm, từng giề lục bình lặng lờ trôi. Ấy vậy mà khúc sông này lại là nơi mà lâu nay nhiều người tìm đến để giã từ cuộc sống tươi đẹp. Họ quên đời vì lý do gì, vợ chồng ông Ba Chúc không quan tâm. Ông bà chỉ chăm chăm làm sao thao tác thật nhanh để cứu họ thoát khỏi tay Hà bá. Gần 40 năm lưu trú tại khúc sông này, ông bà không nhớ nổi đã vớt được bao nhiêu thi thể và cứu được bao nhiêu sinh mệnh; thậm chí ông bà cũng không biết tên, tuổi và địa chỉ…

Vợ chồng ông Ba Chúc trên chiếc ghe và cũng là nhà của mình.

Vợ chồng ông Ba Chúc trên chiếc ghe và cũng là nhà của mình.

Con sóc già ở cầu Bình Lợi

Đứng ngay dốc cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh), hỏi thăm ông Ba Chúc, ai cũng biết. Chị bán cà phê cười xởi lởi: “Ông Ba vớt xác phải không? Anh đi vòng ra con đường sau quán cà phê. Đi hết đường là “nhà” ông Ba Chúc!”.

Cuối con đường đất gập ghềnh đó là bến sông, nơi có khoảng chục chiếc xuồng nhỏ cắm sào. Khi tôi đến, nước đang lớn, rác từng giề trôi dập dềnh và tấp vào một chiếc ghe mục nát. Trong nắng trưa oi ả, bùn sình và rác rưởi hòa quyện tạo thành một cái mùi rất khó tả. Hình như đã quá quen thuộc, tôi chưa kịp hỏi, chị phụ nữ đang nằm vắt vẻo trên võng, chỉ tay về chiếc ghe đang đậu gần bờ, nói: “Chú kiếm ông Ba Chúc phải không? Ổng vừa đi kéo cái xác về tức thì, đang ở dưới ghe đó chú”. Ông Ba Chúc chỉ mặc độc cái quần xà lỏn, tướng thấp, ló cái đầu hói ra khỏi khoang ghe, cười hết cỡ và vẫy vẫy tay.

Tôi lần dò đi trên tấm ván bắc xuống ghe. Ông Ba Chúc lấy khăn lau thật nhanh khu vực mũi ghe, tiện tay ông cầm dĩa rau úp lên tô bún bò, rồi cất vào trong khoang. Tôi chưa kịp ngồi xuống, ông Ba Chúc đã gọi với lên bờ: “Bà ơi! Gọi cho tôi 2 ly cà phê đá”. Tôi ái ngại: “Chị đó là vợ anh, phải không? Thôi, anh Ba ăn đi. Anh vừa ăn vừa nói chuyện cũng được mà”. “Không sao đâu chú. Quen rồi. Bữa nay, tôi giao xác (bàn giao xác chết trôi sông cho công an) nhanh nên về sớm. Mấy lần trước chờ mấy giờ mới xong”, ông Ba nói ngay. “Xác nam hay nữ vậy anh Ba?”. “Xác đàn ông. Tội nghiệp lắm, chắc lâu nên phân hủy rồi”, vừa nói ông Ba vừa xoa xoa 2 tay lia lịa.

Tính nghiệp vụ nổi lên, tôi liền hỏi: “Nạn nhân tên gì? Khoảng bao nhiêu tuổi?”. Ông Ba Chúc cười hết cỡ, 2 tay tiếp tục xoa xoa và nói: “Cũng lớn tuổi rồi, còn tên tuổi tôi đâu có biết. Hồi nào đến giờ, cứ cứu được người hay vớt được xác thì gọi công an. Xong việc thì dông xuồng về liền. Mình đâu có hỏi tên, tuổi làm cái gì?”. Trên bờ, bà Ba Chúc rời chiếc võng và lò dò đi xuống xuồng…

Đến lúc này, tôi mới biết, nơi vợ chồng ông Ba Chúc tiếp tôi là phòng khách, nơi ăn uống, ngủ nghỉ của ông Ba Chúc và cũng là phòng… cấp cứu tổng hợp. Cũng như ông Ba Chúc, bà Hinh (Nguyễn Thị Hinh, 55 tuổi, vợ ông Ba Chúc) cũng không nhớ mình đã từng cứu được bao nhiêu người và vớt được bao nhiêu xác.

Bà Hinh tâm sự: “Lúc trước, thấy ổng đi vớt xác hay cứu người, tôi sợ lắm. Mỗi lần như vậy, tôi bắt ổng phải đi tắm rửa bằng nước nóng pha rượu và không cho ngủ chung. Dần dà, thấy ổng đưa xác về đây (vừa nói bà Hinh vừa chỉ chỗ tôi đang ngồi), rồi loay hoay tắm rửa sạch sẽ hay hô hấp nhân tạo… riết rồi quen. Xuồng nhỏ vậy chớ lúc nào cũng có rượu để tắm rửa xác chết và có dầu để chườm nóng cho người được ổng cứu vớt. Sau đó, hễ nghe có điện thoại của ai gọi ổng đi vớt xác thì tôi cũng đi theo phụ. Còn chuyện người ta nhảy cầu tự tử thì khỏi nói. Đang ăn cơm thì ổng quăng chén, đũa bỏ chạy ra ghe, giật máy phóng đi. Bình thường ổng lụ khụ, nhưng đang ngủ mà nghe cái đùng là ổng bật dậy liền. Ổng lẹ như con sóc vậy”.

Sợ nhất đêm trăng

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh các lần kéo xác và cứu người trên đoạn sông Sài Gòn này. Nhưng có một điều là lúc trước làm việc này khá dễ, còn thời gian gần đây đã khó hơn nhiều.

Ông Ba Chúc nhìn vợ buồn buồn, tâm sự: “Lúc trước, khi bà nhà chưa bị bệnh, tôi rất dễ xoay trở trong công việc kiếm sống trên sông cũng như đi cứu người, vớt xác. Bây giờ một mình khó thao tác lắm. Cứu người bị té hay tự tử đã khó, làm sao đưa vào bờ, về ghe của mình còn khó hơn. Nhiều người được cứu cứ lớn tiếng chửi tôi, sao không để họ chết đi. Lúc đó, có vợ đi theo, bà ấy sẽ động viên, an ủi và ngăn chặn người đó nhảy xuống sông trở lại. Hay đưa người ta được lên ghe rồi mà không chườm ấm ngay thì người ta không chết vì nhảy sông mà chết vì cảm lạnh thì khổ. Nói thiệt, khi biết người ta nhảy sông tự tử hay bị té mà mình không cứu được, vợ chồng tôi buồn cả ngày”.

Để cứu người bị té hay tự tử, ngoài việc phóng xuồng nhanh đến nơi, ông Chúc phải cột tay mình vào sợi dây dài để lặn xuống dòng nước đen ngòm mò nạn nhân. Bà Ba Chúc góp chuyện: “Mới đây, trong một đêm trăng tròn, một cô gái rất đẹp khoảng 25 tuổi, không biết buồn chuyện gì mà nhảy xuống cầu Bình Lợi tự tử. Ổng phóng xuồng ra đến nơi, thấy cô bé đang chấp chới.

Gần 40 năm cứu người trên khúc sông này, ông biết rất rõ, con người ta khi đuối nước chỉ “giã gạo” (trồi lên, thụp xuống) 3 lần. Do vậy, không kịp cột sợi dây vào tay, ổng nhào đến túm tóc cô gái rồi lôi lên ghe. Hơn 1 giờ sau, cô gái hồi tỉnh. Khi tâm sự với tôi, cô gái mới vừa ban nãy đã không còn thiết tha với sự sống đã rất sợ chết. Cô chỉ thắc mắc một điều là sao nhảy cầu tự tử mà đau đầu quá”. Có lẽ đây là một trong các trường hợp mà vợ chồng ông Ba Chúc ấn tượng nhất. Sau khi nghe lời khuyên giải của vợ ông Ba Chúc, cô gái bình tâm và năn nỉ ông bà cho ngủ lại trên ghe. Ông bà nhất quyết không cho và nhờ công an khu vực đưa cô gái về phòng trọ ở gần đó.

Về chuyện này, bà Ba Chúc cho biết: “Hai vợ chồng tôi với 5 đứa con gái ở trên ghe còn được. Bây giờ thêm 1 đứa nữa cũng đâu có sao. Nhưng mình đã giành giật và cứu cô bé khỏi bàn tay Hà bá, thủy thần rồi. Bây giờ cho ngủ lại trên ghe gần sông nước, rủi cô bé lại muốn tự tử nữa thì làm sao kịp cứu. Lúc đó mình còn ân hận hơn”. Vào tầm buổi trưa hôm sau, gia đình đưa cô gái đến tận ghe để cảm ơn ông bà Ba Chúc. Cô bé run run trao cho bà túi trái cây và một phong bì. Không cần biết trong phong bì đó có bao nhiêu tiền, bà Ba Chúc khẳng khái nói: “Túi trái cây, gia đình lỡ mua thì tôi nhận. Còn phong bì thì tôi dứt khoát chối từ. Cô đã buồn đời tìm đến cái chết thì coi như bước đường cùng và bất hạnh rồi. Không lẽ gia đình tôi lại nhận tiền từ những bất hạnh, hoạn nạn đó hay sao?”.

Ước mơ giúp người hoạn nạn

Mặt trời lên cao, nắng chói chang chiếu xuống chiếc ghe của vợ chồng ông Ba Chúc. Cách đó không xa là cầu Bình Lợi. Ngồi trên ghe của ông Ba Chúc, chúng tôi nghe rõ tiếng động cơ xe gắn máy và tiếng va đập của các thanh gỗ, thanh sắt lót cầu. Theo tư liệu, cầu Bình Lợi - nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức - là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, cầu do hãng Lavelois Perrer xây dựng và hoàn thành vào năm 1902. Cầu có kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ và có đường tàu hỏa. Phần đường phụ còn lại được lót bằng vỉ sắt, dành cho xe 2 bánh lưu thông 2 chiều.

Ấy vậy mà nơi đây lại là “điểm chết”. Không phải người dân TP mà “tai tiếng” của nó còn lan sang đến các tỉnh, thành khác. “Nhảy cầu Bình Lợi” đã trở thành câu nói ở cửa miệng của những người muốn tìm đến cái chết. Dù cái chết khá lạnh lẽo và nhiều lúc không toàn thây. Đến bây giờ, chưa ai thống kê có bao nhiêu trường hợp tử vong do nhảy sông tại cây cầu này. Giữa trưa, nước sông trôi khá lặng lờ, từng dề lục bình trôi lặng lẽ qua chân cầu. Khúc sông lặng lờ, thơ mộng như vậy nhưng sao lại quá hung hãn.

Ông Ba Chúc giải đáp ngay: “Nước đang lớn nên không chảy xiết. Khoảng chiều chiều thì nước bắt đầu rút và chảy rất mạnh. Đoạn sông này đặc biệt chỗ đó. Mà dù nước có không chảy xiết đi chăng nữa thì với độ cao như vậy người ta cũng khó sống khi gieo mình từ trên cầu xuống”.

Cứu người trên dòng sông nước chảy xiết rõ ràng là một việc quá khó khăn và nhiều lúc đe dọa đến tính mạng của mình. Không biết ông Ba Chúc có sợ hay không? Phóng ánh mắt nhìn về phía chân cầu Bình Lợi, ông Ba Chúc thì thầm như nói với chính mình: “Tôi sinh ra và lớn lên tại khúc sông này. Do thấy tôi can đảm và nhanh nhẹn nên ba tôi chọn tôi trong số 10 anh em để đi chài lưới cùng ông. Những lần cùng ba tôi đi tìm xác người trôi sông, tôi đã khá dạn dĩ và có ít nhiều kinh nghiệm. Thật sự tôi cũng không biết sự tự nguyện cứu người chết đuối trên dòng sông này phát sinh từ lúc nào. Chỉ biết rằng đó là việc tốt. Nhiều người nói vợ chồng tôi làm việc này là tranh công với Hà bá, “ngài” mà giận thì rất nguy hiểm, nhưng tôi đâu có sợ. Đời người chỉ chết có một lần và nếu chúng tôi chết vì hành động cao đẹp, cứu người trên sông thì đó là cái chết đẹp”.

Mặt trời dần khuất dạng sau mấy lùm tre. Đêm trên sông Sài Gòn đến rất chậm. Sóng vỗ oàm oạp vào mạn ghe. Chiếc ghe khẽ chao đảo, chòng chành. Nhấp một ngụm trà, ông Ba Chúc nói nhỏ: “Mỗi lần đi cứu người hay vớt xác trên sông, tôi đều chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng nhiều lúc khởi động hoài mà máy không nổ. Lúc ấy, thời gian còn quý hơn vàng bạc. Tôi càng bối rối. Ước gì trúng số, tôi sẽ mua ngay một cái máy tàu để giành giật từng “giây phút vàng” để cứu người”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục