(SGGPO).- Có quan điểm khác về định nghĩa “trẻ em” theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) – được đề nghị đổi tên là Luật Trẻ em, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, việc giữ nguyên độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 23-3 về vấn đề này, ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực từ 26 năm về trước, trong đó nêu rõ là tuổi trẻ em quy định tại Công ước chỉ áp dụng theo mục đích của Công ước mà thôi và trừ trường hợp luật pháp có quy định khác. Hơn 1/4 thế kỷ qua, ở nước ta quy định trẻ em là dưới 16 tuổi, còn từ 16 đến 18 tuổi là người chưa thành niên. Quy định như vậy cũng không có gì là vi phạm Công ước, vậy vì lý do gì mà thay đổi khái niệm trẻ em thành người dưới 18 tuổi”?
Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, quy luật phát triển là trẻ em ngày càng trưởng thành sớm, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, dân sự hình sự trẻ hơn; nay nếu thay đổi như dự thảo thì cần phải thay đổi hàng loạt văn bản pháp luật. Bản thân ông cho rằng “không cần thiết quay lùi lại bánh xe lịch sử 26 năm về trước, để những người 16-18 tuổi quay lại làm trẻ em. “Muốn chăm sóc đối tượng này thì cứ quy định cái gì thì chăm cái ấy, đâu cần coi họ là trẻ em mới chăm sóc được”, ĐB thẳng thắn góp ý.
Cùng quan điểm với ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) lập luận: “Nếu ngân sách không tăng thêm đồng nào cho đối tượng này – như giải trình – thì họ được hưởng thêm quyền lợi gì? Nói quy định dưới 16 tuổi là không tương thích với luật pháp khác cũng không thuyết phục, thậm chí tăng tuổi lên 18 mới là không tương thích. Với mức độ phát triển như hiện nay, từ góc độ ngành Y, tôi e chúng ta phải xây thêm khoa Sản trong bệnh viện Nhi”. ĐB Phong Lan đề nghị phát phiếu lấy ý kiến của từng ĐBQH trước khi thông qua nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đồng tình với hai ý kiến nêu trên và chỉ rõ, Hiến pháp không quy định về tuổi trẻ em, còn các bộ luật và đạo luật khác thì có khái niệm “người chưa thành niên” từ 16 đến dưới 18 tuổi và có các mức độ xử lý khác nhau. “Tôi cũng không đồng ý nâng tuổi trẻ em, nhưng nếu QH vẫn đồng ý như thế thì phải có quy định dẫn chiếu và áp dụng pháp luật trong các trường hợp khác nhau”, ĐB Kim Thúy phát biểu.
ANH PHƯƠNG