Giai đoạn 2021-2025 là chặng đường 5 năm đầu chúng ta thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với thu nhập trung bình cao. Trong kịch bản cho 5 năm tới được Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét quyết định, những chỉ tiêu căn bản hợp thành 3 trụ cột phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường) đã được xác định khá rõ.
Về kinh tế, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%. GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.
Các chỉ tiêu nêu trên đều căn cứ vào số liệu đã được đánh giá lại của Tổng cục Thống kê. Theo đó, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 343,6 tỷ USD (khoảng 8 triệu tỷ đồng) và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
Về xã hội, tuổi thọ trung bình người Việt Nam phấn đấu khoảng 74,5 tuổi, trong đó, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%-30%; thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Về môi trường, điểm đáng chú ý là dự kiến tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt mức tuyệt đối 100%.
Kế hoạch khẳng định quyết tâm hiện thực hóa khát vọng của cả dân tộc, dựa trên những thuận lợi căn bản - tiền đề cho phát triển mà Việt Nam đang có. Trong đó, phải kể đến việc giai đoạn 2021-2030 chính là giai đoạn dân số vàng của nước ta. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong giai đoạn tới, nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 làm lộ rõ hơn nữa nhiều yếu kém mang tính hệ thống và tiếp tục là một yếu tố bất định có thể “xóa trắng” những nỗ lực tăng trưởng, khiến Việt Nam mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, trong khi đó nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm. Dưới tác động của đợt bùng phát thứ 4 dịch Covid-19, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% ngay trong năm 2021 - năm đầu tiên của kế hoạch - cũng đã là một thách thức lớn.
Liệu chúng ta có tận dụng được nguồn lực con người để phát triển đất nước trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số và tránh được tình cảnh “già trước khi giàu”? Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XIII vừa đưa ra nhiều sách lược nhằm thực hiện thắng lợi 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định ngày càng vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, bên cạnh yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, một trọng tâm trong thời gian tới sẽ là huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế cho phát triển nhanh và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Chúng ta có quyền kỳ vọng, Việt Nam không chỉ vượt qua được những khó khăn trước mắt, mà còn đón đầu được cơ hội từ sự hồi phục của các nền kinh tế trên thế giới sau Covid-19, về đích ngoạn mục cho những mục tiêu chiến lược đặt ra trong thời gian tới, đưa đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng.