Tránh tình trạng làm đi làm lại

Dự án hồ chứa nước Ka Pét là công trình có quy mô không lớn (thuộc nhóm B) nhưng phải trình ra Quốc hội thêm một lần nữa sau khi Quốc hội khóa XIV đã thảo luận rất kỹ và thông qua nghị quyết từ năm 2019.
Tránh tình trạng làm đi làm lại

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu rõ: “Tại khóa XIV, vì dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng nên Quốc hội phải thông qua, sau đó phải điều chỉnh lại vì lý do đo vẽ không chính xác. Tới kỳ họp lần này thì điều chỉnh về chủ trương, tăng thêm vốn. Nước ta có hàng ngàn công trình, dự án lớn cần phải quan tâm, trong khi đó một dự án chỉ hơn 580 tỷ đồng, liên quan đến đất rừng tự nhiên mà Quốc hội khóa XIV đã phải thông qua tới 2 lần, lẽ ra hoàn thành trong giai đoạn 2019-2023, giờ phải kéo dài đến năm 2025 vì điều chỉnh vốn tăng thêm hơn 354 tỷ đồng”…

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đã nêu và nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid-19, thì dường như các dự án có sử dụng đất rừng khác cũng có nguy cơ chậm tiến độ bởi điều 7 của Luật Đầu tư công. Giải pháp đề xuất là những dự án có chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên phải xin ý kiến Quốc hội, sau khi Quốc hội chấp thuận thì giao Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện.

Từ một góc nhìn khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) vẫn băn khoăn về tình trạng mất rừng tự nhiên. Để phòng tránh nguy cơ này, công tác điều tra hiện trường cần được tiến hành hết sức công tâm, chính xác.

Từ đó cho thấy, chỉ khi có khung khổ pháp lý phù hợp và công tác chuẩn bị dự án kỹ càng, thận trọng mới tránh được tình trạng phải làm đi làm lại một việc mà ai cũng thừa nhận là cấp thiết.

Tin cùng chuyên mục