Trao 77 Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam 2016

Ngày 12-12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho các công trình, tác phẩm xuất sắc năm 2016. Trong đó, công trình “Phật viện Đông Dương - Một phong cách của nghệ thuật Chăm Pa” của tác giả Ngô Văn Doanh và “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường”  do PGS.TS Kiều Trung Sơn chủ biên đã xuất sắc giành giải Nhất.
Trao 77 Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam 2016

(SGGPO).- Ngày 12-12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho các công trình, tác phẩm xuất sắc năm 2016. Trong đó, công trình “Phật viện Đông Dương - Một phong cách của nghệ thuật Chăm Pa” của tác giả Ngô Văn Doanh và “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường”  do PGS.TS Kiều Trung Sơn chủ biên đã xuất sắc giành giải Nhất.

Năm 2016, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã nhận được 103 công trình đăng ký dự giải. Sau khi đánh giá, xét tặng, Ban Tổ chức đã lựa chọn để trao 77 giải gồm 2 giải Nhất, 2 giải Nhì A, 2 giải Nhì B, 24 giải Ba A, 20 giải Ba B, 18 giải Khuyến khích và 3 tặng phẩm.

Hai tác giả có công trình được trao đồng giải Nhất Giải thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam 2016

Đánh giá về kết quả giải thưởng năm nay, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Nét nổi bật của mùa giải năm 2016 là chất lượng các công trình thể hiện ở số lượng các giải cao. Đây là các công trình có chiều sâu và những phát hiện mới”.

Riêng về âm nhạc dân gian năm nay có một số công trình đáng chú ý. Trước hết là công trình “Âm nhạc dân gian xứ Thanh” của Nguyễn Liêm chủ biên và Hoàng Minh Tường. Mọi người đều biết Thanh Hóa là một vùng đất, nơi nhân dân đã sáng tạo ra một kho âm nhạc dân gian giàu có về thể loại, phát triển về ngôn ngữ âm nhạc như dân ca lao động (Hò Sông Mã), dân ca sinh hoạt, âm nhạc thính phòng (Hò Nhà Tơ)…

Vốn âm nhạc quý báu mà không phải nơi nào trên đất nước ta cũng có thể có đã được sưu tập, nghiên cứu trong các chuyến khảo sát nhiều năm qua. Nay với tư liệu đã bổ sung, với thành tựu của các tác giả đi trước, hai tác giả Nguyễn Liên và Hoàng Minh Tường đã bước đầu làm một tổng kết, đánh dấu một giai đoạn nghiên cứu những “trường hợp cụ thể” để bước vào giai đoạn của các công trình “tổng kết có tính định lượng”.

Ngoài ra, về âm nhạc còn có công trình “Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và Tây Ninh” của nhạc sĩ Trần Viết Bình và “Dân ca xứ Nghệ” của nhạc sĩ Đặng Thanh Lưu...

Tại buổi lễ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng tổ chức mừng thọ và tặng quà các hội viên cao tuổi.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục