Trao chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng”

(SGGP).- Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh vừa công bố và trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo thơm Sóc Trăng” (do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận).

Các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng thời hạn 3 năm gồm: Công ty CP Gentraco (Cần Thơ), Công ty CP Lương thực, Công ty DV Thương mại Thành Tín, Công ty CP Gạo chất lượng cao, Cơ sở sản xuất lúa giống và gạo thơm Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Cùng với các sản phẩm đặc sản truyền thống như bánh pía, lạp xưởng, bánh phồng tôm, củ cải, hành tím, bún nước lèo..., sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng đã và đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu gạo vào các thị trường cao cấp. Gạo thơm Sóc Trăng được sản xuất từ các giống lúa ST, do nhóm chuyên gia nông nghiệp của tỉnh nghiên cứu, chọn lọc từ những năm 1991 tới nay. Giống lúa này phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước ở các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm trong tỉnh.

Thị trường tiêu thụ liên tục mở rộng, diện tích giống lúa ST không ngừng tăng, từ 200ha đầu tiên vào năm 1991, năm 2001 tăng lên hơn 10.200ha và đến nay Sóc Trăng có hơn 20.880ha.

Gạo thơm Sóc Trăng có kích cỡ hạt dài 7 - 8mm, mùi thơm đặc trưng, hàm lượng amylose dưới 20%...

C.PHONG

Đề nghị “cứu” ngành chăn nuôi

(SGGP).- Bộ NN-PTNT vừa có tờ trình gửi Chính phủ về chính sách tín dụng riêng cho ngành chăn nuôi, nhằm đẩy mạnh chăn nuôi trong nước phát triển theo hướng tập trung. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Rất tiếc, tờ trình này đã không nhận được sự ủng hộ của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Hai cơ quan này đã có văn bản gửi Thủ tướng không đồng ý với kiến nghị của Bộ NN-PTNT. Đây là điều rất đáng tiếc, vì các cơ quan trên cũng có những lý lẽ riêng của họ”.

Được biết, tờ trình Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư chăn nuôi (không bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài) để phục hồi sản xuất. Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay tín dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để mua con giống phát triển trong vòng 3 năm. Giảm thuế nhập khẩu ngô (bắp) từ 5% xuống 2%, lúa mì (để sản xuất thức ăn chăn nuôi) từ 5% xuống 0%. Thực hiện thuế suất nhập khẩu bằng 0% đối với thiết bị chuồng trại, ấp trứng gia cầm. Hỗ trợ 100% tiền mua vaccine tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch xảy ra… Mục đích là để khôi phục ngành chăn nuôi trong nước, đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm trong tình hình nhiều nông dân đang bỏ hoang chuồng trại chăn nuôi như hiện nay.

V.PHÚC

Tin cùng chuyên mục