Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm dự giải với 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh). Hội đồng sơ khảo đã chọn 58 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo. Trong 58 tác phẩm xuất sắc, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 22 tác phẩm đoạt giải, gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích. Đây là năm thứ 4 giải được tổ chức với quy mô lớn, nhằm mục đích góp phần nâng cao chất lượng và số lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, vấn đề an sinh xã hội, những bài học hay về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phản ánh đời sống của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ban tổ chức tiếp tục phát động Giải báo chí về đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 và mong muốn giải sẽ thu hút được đội ngũ những người làm báo trong khu vực tích cực tham gia, tiếp tục nâng tầm giải trở thành một thương hiệu có sức hấp dẫn, uy tín và lan tỏa sâu rộng.
Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam tặng 100 suất học bổng trị giá 50 triệu đồng cho 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Rạch Giá.
Cùng ngày, tại TP Rạch Giá, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo nghiệp vụ báo chí Tây Nam bộ tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: “Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc nhìn nhận, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của các cấp hội; nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, gắn với nhiệm vụ chính trị to lớn hiện nay và tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của các cấp hội và hội viên, nhà báo, trong việc phấn đấu để có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.