Cuối cùng, bác sĩ người Mỹ gốc Hàn Jim Young Kim đã giành chiến thắng trong cuộc đua gay cấn vào ghế Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB). Phát biểu ngay sau khi được bầu, tân Chủ tịch WB cho biết tăng trưởng kinh tế dựa trên thị trường là ưu tiên cho mọi đất nước trên thế giới. Theo ông, đó là cách tốt nhất để tạo việc làm và đưa người dân thoát đói nghèo.
Tăng vai trò của các nước đang phát triển
Ông Jim Young Kim có lợi thế đã làm việc hơn 25 năm tại các nước đang phát triển. Tân Chủ tịch WB được ghi nhận có vai trò tiên phong trong công tác chữa trị HIV/AIDS cũng như làm giảm bệnh lao ở các nước đang phát triển. Ông Kim tự nhận: “Tôi là thầy thuốc làm việc dựa trên cơ sở khoa học hơn là dựa trên học thuyết đơn thuần hay quan điểm chính trị nào đó”.
Trong diễn văn nhậm chức, ông Kim cho biết ông sẽ “tìm kiếm một trật tự mới của WB trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng”. Cụ thể, ông sẽ tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển cũng như tập hợp những người có kinh nghiệm và chuyên môn cao phục vụ cho WB. Ông Kim cũng sẽ tính toán đến tính chất khác biệt về văn hóa và xã hội của nhiều khu vực khác nhau để đảm bảo rằng WB có thể đề ra nhiều chương trình mục tiêu nhằm mang lại những kết quả như mong đợi.
Trên cương vị mới, ông Kim sẽ có trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” về chiến dịch chống đói nghèo. Tuy nhiên, hiện nhiều thành viên WB, ví dụ như các nền kinh tế thị trường mới nổi, không còn cần nhiều đến WB như nguồn vốn duy nhất để tài trợ phát triển. Thay vào đó, ông Kim phải giữ mối quan hệ tốt với các ngân hàng Trung Quốc, Brazil và các quốc gia khác đang có nhiều mối quan hệ với các nhà đầu tư tư nhân. Thậm chí, một số ngân hàng tại những nước nói trên đang cạnh tranh với WB trong việc cho vay tại châu Phi và Mỹ Latinh. Theo bà Nancy Birdsall, cựu Giám đốc Nghiên cứu chính sách của WB, khó khăn của ông chủ WB sẽ là làm sao duy trì được các nước này với tư cách vừa là khách hàng vừa là nhà đóng góp cho WB.
Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (nhóm BRIC) là các thị trường lớn mới nổi, sẽ chiếm 23% sản lượng của thế giới vào năm 2016, so với 19% vào năm 2011, theo báo cáo của công ty thăm dò Grant Thornton International. Trong khi đó, ở nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, sản lượng sẽ giảm từ 48% xuống 44% trong cùng kỳ. Hai nhóm nói trên đang có lợi ích khác nhau. Các nước giàu hơn chú tâm vào các biện pháp bảo vệ môi trường hoặc xã hội.
Áp lực lớn
Dù thế nào đi nữa, tiến sĩ Kim phải hóa giải những khác biệt giữa WB với ngân hàng của các nền kinh tế mới nổi vì WB vẫn cần phải giữ lại khách hàng vay vốn. Một phần thu nhập của ngân hàng đến từ lãi suất ngân hàng khi cho các nước vay tiền.
Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3-2012 đã nhận được khoản vay 600 triệu USD thời hạn 15 năm để đầu tư vào các công nghệ cải thiện an ninh năng lượng và năng lượng sạch. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít khoản vay lớn của WB. So với đầu tư tư nhân, WB vẫn còn cần phải cố gắng nhiều. Theo ước tính của Viện Tài chính quốc tế trụ sở tại Washington, giải ngân của WB với chính phủ các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc chưa tới 8 tỷ USD trong vòng 1 năm tính đến tháng 6-2011. Ngược lại, dòng vốn ròng tư nhân đổ vào các thị trường mới nổi đạt 910 tỷ USD vào năm 2011.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala, người ra tranh cử với ông Kim, khách hàng vay rời bỏ WB một phần do các điều kiện vay quá khó khăn cũng như tình trạng quan liêu của ngân hàng. Bà nói: “Các quốc gia có thu nhập trung bình không còn ham muốn chờ đợi để được vay tiền từ WB vì phải mất trung bình 10 tháng đến một năm để thẩm định hồ sơ vay vốn”. Đó là trường hợp với Ghana, đã ký một thỏa thuận vay 1 tỷ USD với Tập đoàn Ngân hàng Phát triển Trung Quốc như là một phần của khoản vay lớn nhất trong lịch sử của đất nước này.
Phó Tổng thống Ghana, ông John Dramani Mahama thẳng thắn nhận xét: “Trung Quốc đã nổi lên như là một nguồn quan trọng của tín dụng cho châu Phi, khu vực từng là đối tác của WB và IMF. Quá trình vay vốn WB và IMF khá mệt mỏi và đi kèm với rất nhiều khó khăn”. Theo số liệu do tổ chức Đối thoại liên Mỹ đưa ra, Trung Quốc cho Mỹ Latinh vay trong năm 2010 nhiều hơn so với tổng số vốn vay của ngân hàng WB, Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ và Ngân hàng xuất nhập khẩu của Mỹ kết hợp lại.
Theo bà Birdsall, các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang nghiên cứu một kế hoạch nhằm thành lập ngân hàng phát triển riêng của họ. Riêng Brazil trong năm 2011 đã cho vay 75,6 tỷ USD.
Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waterloo, Canada, cho biết một trong những thách thức của ông Kim sẽ là khuyến khích các thị trường mới nổi đóng góp nhiều hơn cho WB hơn là cho họ vay. Robert Zoellick, Chủ tịch WB sắp mãn nhiệm, đã có động thái tăng cường quan hệ với các thị trường mới nổi lớn khi bổ nhiệm học giả Trung Quốc Justin Lin làm nhà kinh tế của WB trong năm 2012. Ông Lin cùng các nhà nghiên cứu của Trung Quốc viết một báo cáo về nền kinh tế của nước này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và ký kết các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với các chính phủ trên lục địa đen, tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để nuôi tăng trưởng kinh tế của mình. Đổi lại, Bắc Kinh xây dựng đường bộ và đường sắt và bảo vệ một thị trường cho sản phẩm của mình. WB sẽ phải làm sao để Trung Quốc trở thành người cho vay có trách nhiệm hơn, theo một bản báo cáo của Tổ chức Liên châu Mỹ.
| |
Thụy Vũ