Những ngày cận tết, không khí làm việc trên công trường xây dựng tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên luôn nhộn nhịp, căng thẳng chạy nước rút theo tiến độ công trình.
Hơn 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc Ban Quản lý dự án, tổng thầu và các đơn vị thi công làm việc 3 ca liên tục dưới cái nắng cháy da và tiết trời lạnh buốt những đêm cuối năm. Rất nhiều người trong số họ đăng ký ở lại làm việc trong các ngày tết để bảo đảm tiến độ công trình trọng điểm của TP.
Tết này nhiều công nhân của CC1 không về quê ăn tết, đăng ký ở lại công trường làm việc. Ảnh: HOÀI NAM
Chạy đua với thời gian
Kỹ sư Phạm Đình Quang, chuyên gia an toàn của đơn vị tư vấn chủ đầu tư NJPT trải tấm bản đồ tiến độ thi công gói thầu nhà ga Nhà hát TP nói: “Mặt bằng công trường được chia thành 3 khu vực, trong đó phần chính giữa là khu vực đặc biệt có điểm cắt giao nhau giữa đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Ở phía dưới lòng đất của khu vực này là 4 tầng của nhà ga, trong đó đỉnh tầng trên cùng tiếp giáp mặt đất đã thi công xong. Phần tường vây bao bọc 4 bên của tầng đỉnh này cũng đã hoàn thành…”.
Những phần mà kỹ sư Quang nói ở trên tưởng đơn giản và dễ hình dung được khối lượng thi công. Thế nhưng, khi đi thực địa, chúng tôi thực sự choáng ngợp với một khối lượng thi công khổng lồ mà hơn 300 cán bộ, kỹ sư và công nhân của các nhà thầu Ba Chy Soletanche Việt Nam, Shi Mizu - Maeda (nhà thầu chính thi công tường vây và cọc) và Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1 - nhà thầu phụ thi công bản sàn tầng nhà ga), đã làm việc không ngơi nghỉ suốt gần 1 năm qua. Cuộc chạy đua nước rút được tính từng giờ để bảo đảm tiến độ bàn giao bề mặt bên trên đoạn giao cắt với đường Nguyễn Huệ cho đơn vị thi công Dự án nâng cấp, chỉnh trang đường Nguyễn Huệ. “Tới nay (25 Tết) chỉ còn một khối lượng nhỏ của phần thi công các bể nước đài phun phía trên. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn khu vực đặc biệt này sẽ hoàn thành trước tết, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án chỉnh trang đường Nguyễn Huệ”, kỹ sư Quang quả quyết.
Tại các hạng mục thi công gói thầu trên cao, đoạn vượt sông Sài Gòn, không khí làm việc của những ngày cận tết cũng hết sức khẩn trương với tiến độ được đặt ra sát từng ngày. Toàn tuyến trên cao có 5 cầu vượt đặc biệt, gồm: Văn Thánh, sông Sài Gòn, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội và Rạch Chiếc. Trong đó cầu vượt sông Sài Gòn là hạng mục quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến toàn tuyến. Theo tiến độ đề ra, trụ SG1 đã đổ xong phần bê tông ngay trong ngày 23 Tết. Sau đó, toàn bộ kỹ sư, công nhân Công ty Tuấn Lộc - đơn vị thi công dù trong những ngày giáp tết vẫn tập trung lực lượng và thiết bị thiết lập hiện trường, để ngay sau tết là có thể thi công tiếp các trụ cầu còn lại.
Thử thách với công nghệ mới
Là đơn vị thi công chính bản sàn 4 tầng nhà ga, CC1 đã tung ra đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề được đào tạo bài bản để vận hành công nghệ thi công ngầm của Nhật Bản lần đầu tiên có ở Việt Nam, trong đó có hơn 20 kỹ sư trẻ đầu ngành xây dựng trực tiếp chỉ huy tại công trường. Kỹ sư Đinh Văn Hùng, Chỉ huy trưởng công trường của CC1, nói: “Toàn bộ các hạng mục đều thiết kế theo công nghệ của Nhật Bản, trong đó khó nhất là bố trí kết cấu thép chịu lực cho các bản sàn. Với tinh thần làm đến đâu học đến đấy, anh em kỹ sư trẻ đã vận dụng tối đa kiến thức ở trường với thực tế kinh nghiệm của các kỹ sư Nhật Bản truyền lại. Đến nay, phần thi công bản sàn tầng trên cùng của nhà ga được hoàn thành, đội ngũ kỹ sư, công nhân trẻ của CC1 đã có thể tự tin khẳng định sẽ thực hiện tốt nhất, đúng với thiết kế 3 bản sàn còn lại theo kế hoạch đề ra”.
Ở một góc độ khác, kỹ sư trưởng Lê Thành Lê (31 tuổi), phụ trách thi công tổng thể của nhà thầu SMJO nói về những khó khăn trong điều kiện thi công mặt bằng chật hẹp, xung quanh là các công trình nhà cao tầng với nhiều hạng mục ngầm nằm sâu dưới lòng đất bao bọc hệ thống các tuyến đường và nhà ga nhiều tầng. Phương án thi công được đưa ra kết hợp với nhiều phương án bảo đảm an toàn, có thể khắc phục nhanh nhất các tình huống xảy ra về trượt, sụt móng, kết cấu công trình xung quanh và ngập lụt, sạt lở đất đá các tầng hầm. Đây là thử thách rất lớn được kiểm chứng từ thực tế khả năng thi công và xử lý tình huống được kỹ sư trưởng Noda của tổng thầu Nhật Bản đánh giá đã đạt đến độ chính xác 100%. Ông nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ chuyên môn và khả năng tiếp nhận công nghệ mới, xử lý các tình huống của những kỹ sư trẻ Việt Nam trên toàn công trường…”.
Dù công trường nằm ngay giữa trung tâm thành phố, chen lẫn với các cảnh quan, kiến trúc và các hạng mục thi công xung quanh, nhưng đi đến đâu trên toàn công trường chúng tôi cũng thấy gọn gàng, an toàn cho từng lối đi lại theo quy định, cũng như việc thiết lập các bãi tập kết máy móc, thiết bị, vật liệu… đều rất bàn bản. Từng lối đi đến các hạng mục thi công đều được che chắn, cảnh báo, bảo hộ chắc chắn; quy trình vận hành của từng phần việc nhất nhất tuân theo sự giám sát, điều hành của chỉ huy công trường. Điều này, được kỹ sư Nguyễn Tiến Thái, giám sát hiện trường của nhà thầu NJPT khẳng định: “Kỷ luật công trường là điều tối thượng để bảo đảm an toàn và tiến độ đề ra”.
Khi bài viết này đến tay bạn đọc, không khí đầm ấm, đoàn viên ngày xuân đã đến với nhiều gia đình, và ở trên các tuyến đường trung tâm của thành phố không khí đón xuân đang tưng bừng, náo nhiệt… Thế nhưng, chỉ cách vài bước chân là cả một khung cảnh làm việc tất bật, khẩn trương của đội ngũ những kỹ sư, công nhân trẻ các đơn vị thi công vẫn ngày đêm bám máy, chạy nước rút cho kịp với tiến độ công trình trọng điểm quan trọng bậc nhất của TPHCM…
HOÀI NAM