
Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thời gian qua đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Hiện nay giá cổ phiếu OCB là 6,2 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá gốc 1 triệu đồng/cổ phiếu), tăng 520% trong vòng 17 tháng. Với hướng đi riêng trong kinh doanh, OCB đang ngày càng tạo niềm tin cho khách hàng và giới đầu tư.
- Linh hoạt, tự tin

OCB áp dụng các chính sách tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Ảnh: TH.T.
Thành lập từ tháng 6-1996 với vốn điều lệ ban đầu 70 tỷ đồng, đến nay OCB có tổng vốn hoạt động hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 300 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 630 tỷ đồng trong năm 2006.
Lợi nhuận của OCB gần đây đạt mức rất khả quan với cổ tức chia trên 15%. Để đạt được điều này OCB đã xây dựng chiến lược cạnh tranh và tạo dựng uy tín cho chính mình. Xác định tín dụng là hoạt động chủ lực, OCB đã đưa ra những sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng khách hàng.
Theo ông Lê Đắc Cù, Phó Tổng Giám đốc OCB chi nhánh Hà Nội, điểm mới trong hoạt động tín dụng của chi nhánh là theo dõi quá trình vay trả của khách hàng, đánh giá khách quan về uy tín và tính ổn định của doanh nghiệp, từ đó ký hạn mức tín dụng trong năm, đơn giản hóa các thủ tục giải ngân, phục vụ kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp. Với cách làm này, OCB đã mở rộng thị phần đối với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vốn trước đây là khách hàng của ngân hàng khác.
Tại OCB chi nhánh Tây Đô (Cần Thơ), trước đây cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm đến 80%, đến nay danh mục cho vay đa dạng hơn, như tài trợ mua ô tô; cho vay sửa chữa, mua nhà, nuôi trồng thủy hải sản xuất khẩu, tài trợ mua các phương tiện thủy; tài trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp… Chi nhánh này còn triển khai các dịch vụ như bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng…
Trong việc huy động vốn, OCB đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng với lãi suất cạnh tranh. Ngoài thu hút vốn từ tiền gửi dân cư và doanh nghiệp để cân đối nhu cầu tín dụng, OCB còn được các tổ chức tài chính quốc tế tin tưởng chuyển giao những nguồn vốn tài trợ như Quỹ Dự án tài chính nông thôn II của World Bank... Đây là nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thấp phục vụ tín dụng ở nông thôn rất hiệu quả.
- Tăng tốc phát triển dịch vụ
OCB cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế cho khách hàng từ năm 2002 và trong năm 2006 ngân hàng này đã gia nhập Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Swift). Bước đầu, hoạt động này gặp nhiều khó khăn do phía ngân hàng nước ngoài thiếu thông tin từ OCB. Nhưng đến nay với sự hỗ trợ của khách hàng và các ngân hàng bạn, hoạt động thanh toán quốc tế của OCB ngày càng phát triển. Nhằm nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi vay, thời gian qua OCB đã đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ và vàng, phát triển hoạt động thanh toán quốc tế và các dịch vụ khác.
OCB đã tăng tốc ứng dụng các sản phẩm dịch vụ như chuyển tiền nhanh Western Union, dịch vụ bao thanh toán… và đã phát hành được hơn 3.800 thẻ thanh toán Lucky Oricombank. Để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ này, OCB tư vấn cho các doanh nghiệp về dịch vụ chi lương qua thẻ, giảm giá phát hành thẻ, giao thẻ tận nơi cho doanh nghiệp... OCB đã tổ chức khuyến mãi nhằm đưa dịch vụ này ra đại chúng như miễn phí rút tiền ATM, miễn phí chuyển tiền từ các chi nhánh vào tài khoản thẻ…
Ông Nguyễn Quang Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OCB, cho biết năm 2006 đánh dấu mốc phát triển mới qua 10 năm hoạt động của OCB và cũng là năm đầu trong chiến lược phát triển 5 năm (2006-2010) của ngân hàng. Hiện nay OCB đã trriển khai dự án Core Banking System nhằm thiết lập mạng trực tuyến, làm cơ sở phát triển dịch vụ ngân hàng; tái cấu trúc ngân hàng nhằm hướng đến ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại; phát triển mạng lưới chi nhánh rộng trên phạm vi cả nước. “Xây dựng nét văn hóa phương Đông, xây dựng thương hiệu OCB, phấn đấu đưa OCB nằm trong nhóm 10 ngân hàng TMCP hàng đầu nước ta và đảm bảo sự phát triển bền vững trong hội nhập… là mục tiêu chính của chúng tôi” - ông Tiên cho biết như vậy về hướng hoạt động trong thời gian tới.
THANH TRÚC