Trên những nẻo đường Trường Sơn

Dõi theo hành trình của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) Báo SGGP là bước chân của những cán bộ, phóng viên Báo SGGP. Họ có mặt từ khi khảo sát chọn địa điểm, khởi công, khánh thành và cả ngay sau công trình đã đi vào sử dụng. Dịp này, mời bạn đọc cùng nghe tâm sự của họ.

Dõi theo hành trình của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) Báo SGGP là bước chân của những cán bộ, phóng viên Báo SGGP. Họ có mặt từ khi khảo sát chọn địa điểm, khởi công, khánh thành và cả ngay sau công trình đã đi vào sử dụng. Dịp này, mời bạn đọc cùng nghe tâm sự của họ.

  • Thấm thía trao và nhận

Tôi may mắn được tham gia một số chuyến khảo sát, tiền trạm của Ban tổ chức chương trình NTTS để lựa chọn địa điểm và đối tượng mà chương trình sẽ hỗ trợ. Những buổi đi xuyên rừng tìm đến những đồn biên phòng cheo leo, heo hút nhất, những bản làng nghèo khó nhất đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên.

Không quên được chiếc giường chật chội của 3 bố con anh bộ đội biên phòng mồ côi vợ ở Đồn 597 (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) - chiếc giường chiếm gần hết diện tích căn phòng, vốn là phòng trực của đồn - đồng thời là nơi học bài và chơi đùa của 2 đứa trẻ, là chỗ nằm của 3 bố con mỗi tối. Giường chật mà sao vẫn thấy trống phía trong, nằm ấm mà thao thức…

Có cảm giác 2 năm rồi, từ những chuyến đi, chúng tôi và những người đồng hành, dù trao đi nhưng thực ra là đang nhận lại rất nhiều: tình cảm, sự chân thành, niềm vui, niềm hạnh phúc. Và giờ đây là hạnh phúc được bước tiếp cuộc hành trình…

ĐOÀN MAI HƯƠNG

  • Đọng lại...

Trong một buổi lễ trao căn nhà từ chương trình NTTS tại tỉnh Nghệ An, trong tôi có một chút gì đó, vui nhưng không hẳn hết buồn. Ngôi nhà là cả một niềm mong mỏi, là ước nguyện cuối đời của người cựu binh. Niềm vui không tả được trong ông, người thân và cả bà con lối xóm khi ông cầm trên tay chiếc chìa khóa nhà do đại diện Ban tổ chức chương trình NTTS trao tặng. Thế nhưng trong một góc nhà, hình ảnh người con trai đã ngoài 20 tuổi ngây dại nhìn mọi người khiến lòng tôi xốn xang…

Những chuyến đi về những bản làng xa xôi hẻo lánh không chỉ đưa chúng tôi đến với bà con dân tộc còn nghèo khó mà còn cho chúng tôi những cuộc gặp gỡ với những con người, những tâm hồn và những tấm lòng cao cả. Nghị lực vươn lên của những người con Trường Sơn xưa trong “cuộc chiến” kinh tế, là những bài hùng ca trong cuộc sống hôm nay. Từ chính họ, tôi thấy được những bài học vươn lên trong cuộc sống, là nghị lực vượt khó, quyết tâm trước mọi khó khăn của cuộc sống bộn bề.
 

MAI PHÚ KHUYNH

  • Hồi ức về một thời oanh liệt

Giữa năm 2011, chúng tôi có dịp công tác cùng Ban tổ chức chương trình NTTS Báo SGGP và các tướng lĩnh của Đoàn 559 năm xưa, trên hành trình tìm các địa danh hợp lưu giữa Đông và Tây Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vị tướng già mà lớp hậu sinh chúng tôi luôn mong được gặp gỡ, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559, tuy tuổi đã ngoài 80 song vẫn còn rất minh mẫn và vui tính. Trở lại đường Trường Sơn, ánh mắt của Thiếu tướng Phan Khắc Hy như sáng lên, những trận đánh, những kỷ niệm trên đường hành quân đầy mưa tên đạn lửa ào về. Với chất giọng trầm hùng, Thiếu tướng Phan Khắc Hy mô tả sự ác liệt của chiến trường Tây Nguyên, sự gan dạ, quả cảm, không ngại gian khó của Bộ đội Trường Sơn, điều mà lớp trẻ chúng tôi chưa hình dung hết.

Chúng tôi tự hào vì thế hệ đi trước và thế hệ trẻ chúng tôi luôn tri ân các anh hùng, liệt sĩ, cựu chiến binh, thanh niên xung phong đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục