Trên vùng đất Nam bộ kháng chiến

Trên vùng đất Nam bộ kháng chiến

Bí thư Đảng ủy xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) Trương Hùng Cường giới thiệu với chúng tôi về quê hương cách mạng nổi danh các phong trào đấu tranh từ trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến những năm của Nam Kỳ khởi nghĩa, Cách mạng Tháng 8 và Nam bộ kháng chiến cách đây tròn 70 năm. Tại đây chúng tôi còn được đi thăm các di tích lịch sử, trong đó có ngôi nhà của gia tộc ông Bùi Văn Ngữ, Bùi Văn Thủ tại ấp Tiền Lân - đang được bà Bùi Thị Vân (Bảy Vân), con ông Bùi Văn Ngữ trông coi…

Ký ức 70 năm

“Hồi đó tôi còn nhỏ, chừng 9, 10 tuổi nhưng nhớ rất rõ tụi giặc vô nhà bắt ba và chú Thủ đi. Sau đó, không biết chúng đưa hai ông đi những đâu, chỉ biết sau này nghe mấy chú, mấy bác nói ba và chú đều bị đày đi Côn Đảo và hy sinh ở đó, tới nay gần 70 năm vẫn chưa tìm thấy mộ…”. Lời bà Bảy Vân nghẹn lại khi nhớ về người cha, người chú yêu quý của mình và những đồng chí của ông trong những năm tháng đấu tranh cách mạng ác liệt, gian khổ nhất. Được gia tộc giao trông coi ngôi nhà là địa chỉ đỏ của xã Bà Điểm, cũng là nơi thờ phụng dòng họ Bùi và những đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho độc lập, tự do trên quê hương 18 Thôn Vườn Trầu hàng chục năm nay, hàng ngày quét dọn, lau chùi các hiện vật lưu giữ trong ngôi nhà, bà Bảy Vân như sống lại ký ức hào hùng của 70 năm trước. Bà nhớ lại: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ủy ban kháng chiến Nam bộ, toàn thể nhân dân Tân Thới Nhất - Bà Điểm lại đứng lên với tầm vông, giáo mác kiên quyết bảo vệ quê hương, bảo vệ thành quả cách mạng. Ủy ban Kháng chiến Tân Thới Nhất - Bà Điểm được thành lập do ông Năm Râu (Ngô Văn Sanh - PV) làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng do ông Nguyễn Văn Thơm làm Bí thư, lực lượng vũ trang xã được xây dựng và mở rộng ra mỗi ấp có một đại đội du kích. Sau đó, lực lượng vũ trang phát triển mạnh đến 18 làng phía Tây Bắc Gò Vấp gồm Tân Thới Nhất, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa, Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, Xuân Hòa, Thới Hòa…, tiến đánh nhiều đồn bót, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại”.

Theo sử sách còn lưu lại, cuối tháng 9-1945, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương, Chính phủ và nhân dân cả nước. Lời hiệu triệu đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Tân Thới Nhất - Bà Điểm quyết bám làng, giữ ấp, củng cố lực lượng và tiến đánh nhiều đồn bót của quân Anh, Pháp trú đóng trong vùng. Trong đó, phải kể đến trận đánh giữ cầu Tham Lương, phá bót địch ở Trung Chánh, Xuân Thới Thượng, diệt nhiều lính Lê dương. Nhân dân xã Tân Thới Nhất - Bà Điểm còn tổ chức chiến đấu bằng nhiều hình thức sáng tạo, cùng các lực lượng võ trang tham gia diệt đồn bót và trừng trị giặc Pháp, Việt gian. Trong 9 năm kháng chiến gian khổ, ác liệt, quân và dân Tân Thới Nhất - Bà Điểm một lòng theo Đảng, Bác Hồ, giữ vững căn cứ địa cách mạng và cùng nhân dân Nam bộ phát triển phong trào kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Hàng ngày bà Bảy Vân quét dọn, trông coi căn nhà là di tích lịch sử, địa chỉ đỏ của nhân dân Bà Điểm - nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, Cách mạng Tháng 8 và Nam bộ kháng chiến. Ảnh: HOÀI NAM

Giữ mãi hào khí vùng quê cách mạng

Trên vùng quê cách mạng 18 Thôn Vườn Trầu xưa, còn lưu giữ hàng chục di tích, địa chỉ đỏ cách mạng của Nam Kỳ Khởi nghĩa, Cách mạng Tháng 8 và Nam bộ kháng chiến năm 1945. Trong đó, ngoài căn nhà của bà Bảy Vân, còn có căn hầm bí mật nhà ông Năm Trà - người đánh mõ Nam Lân, căn nhà ông Lê Văn Khương, Trịnh Thị Miếng (ấp Nam Lân), Mai Công Tự, Từ Văn Mười (ấp Đông Lân), Trần Văn Hy (ấp Tây Lân)…

Hàng năm, vào các ngày lễ trọng đại của dân tộc, ngày hội đình làng vùng Tân Thới Nhất - Bà Điểm, người dân khắp nơi lại kéo về tổ chức cúng giỗ, tưởng nhớ, tri ân các chiến sĩ cách mạng và đồng bào Tân Thới Nhất - Bà Điểm đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc ngày nay. Chính quyền địa phương và lớp thế hệ trẻ thường xuyên tổ chức ôn lại truyền thống trong các buổi lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn TNCS, dâng hương, báo công…, nhắc nhở, động viên nhau giữ mãi hào khí của vùng quê cách mạng, noi gương thế hệ cha ông đi trước xây dựng quê hương giàu đẹp, phát triển.

Vùng quê cách mạng Tân Thới Nhất - Bà Điểm hôm nay đã có nhiều đổi thay, Bí thư Đảng ủy xã Bà Điểm Trương Hùng Cường đưa ra những con số của kết quả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vừa đạt được., trong đó, mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 56,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới - thu nhập 16 triệu đồng/người/năm - chỉ còn dưới 2%; cơ bản xóa hết nhà tạm, dột nát. Đặc biệt, diện mạo trên vùng quê cách mạng đã có những thay đổi vượt bậc. Đường sá giao thông, công trình dân sinh, nhà máy, xí nghiệp, nhà cửa, công trình kiến trúc… mọc lên khang trang, từng bước xây dựng vùng ngoại thành TPHCM văn minh, hiện đại, phát triển.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục