Tri ân vùng đất nghĩa tình

Tri ân vùng đất nghĩa tình

Mỗi người lính mới nhập ngũ đều trải qua thời gian huấn luyện trước khi được công nhận là lính thực thụ. Thời bình thì ăn ở, sinh hoạt và huấn luyện trong các doanh trại chính quy hiện đại. Còn chúng tôi, những người lính thời chiến thì doanh trại là làng xóm, lính ở trong nhà dân, mỗi nhà 2 - 3 người, mỗi xóm chứa 1 - 2 đại đội, mỗi xã chứa 1 - 2 tiểu đoàn. Mỗi đợt huấn luyện từ 3 - 6 tháng, có khi kéo dài đến cả năm. Một ngày nên nghĩa, tình cảm quân dân đối với những xóm làng đã đùm bọc chúng tôi trong những ngày đầu làm lính ấy đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên.

1.
Làng Yên Quang, huyện Nho Quan là một địa chỉ như vậy. Yên Quang thuộc huyện Yên Mô cũ (bây giờ là Nho Quan), nằm gần rừng Cúc Phương, là vùng đất bán sơn địa của tỉnh Ninh Bình. Trong chiến tranh, có lẽ vùng này không có “mục tiêu quốc phòng” nào quan trọng nên máy bay Mỹ không để ý. Dân Yên Quang sống yên ổn để chở che, bảo bọc cho những đoàn quân huấn luyện thành thục trước khi ra trận. Tân binh các tỉnh Ninh Bình, Nam Hà (nay là Hà Nam và Nam Định) phần lớn tập trung huấn luyện ở vùng này.

Và cũng bắt đầu từ đây, họ lên đường hành quân vào chiến trường. Trong những đoàn quân vào chiến trường Trường Sơn, Trị Thiên, Khu Năm, Tây Nguyên, Đông và Tây Nam bộ, có bao nhiêu chiến sĩ đã ăn ở, huấn luyện trên vùng đất này, và có bao nhiêu người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại ở những vùng đất ấy? Không ai thống kê được! Sau ngày giải phóng, trong những người lính còn sống sót, không ít người muốn quay trở lại nơi mình đóng quân, thăm lại làng quê, gia đình đã cưu mang mình ngày ấy. Một số cựu chiến binh (CCB) ở huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định hẹn nhau trở lại Yên Quang, nhân ngày Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn khánh thành công trình Trạm y tế xã, là những người trong số đó.

Trạm quân dân y xã Yên Quang đã được xây dựng khang trang.

Trạm quân dân y xã Yên Quang đã được xây dựng khang trang.

2. Công trình trạm xá xã Yên Quang là một trong những dự án thuộc Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng, do Vietinbank tài trợ, trị giá 2 tỷ đồng. Ở đồng bằng, mỗi một địa bàn hành chính cấp xã chỉ khoanh gọn trong khoảng 5 - 10km2, đường sá đi lại dễ dàng nên việc khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con, mỗi xã chỉ một trạm y tế là đủ. Nhưng ở miền núi, có xã quản lý đến cả trăm kilômét vuông, từ bản này đến bản kia cách nhau cả chục cây số. Đường xe không có, đi bộ từ bản xa ra trung tâm xã mất đến 2 ngày đường. Ở những nơi đó, nếu không nhờ tủ thuốc và các thầy thuốc của bộ đội biên phòng thì người dân khi có bệnh tật, chỉ biết nhờ thầy cúng và lá rừng.

Do vậy, một trong những mục tiêu của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn là vận động các nguồn tài trợ xã hội để xây dựng thêm các cơ sở khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho bà con các dân tộc sinn sống ở những vùng sâu vùng xa này. Theo tiêu chí trên thì Yên Quang không nằm trong danh sách ưu tiên. Tuy nhiên, khi nhận được đề nghị của các CCB - những người đã từng được huấn luyện chiến đấu ở đây trước khi vào chiến trường, chúng tôi đi khảo sát thì không thể không đồng ý. Yên Quang có 1.600 hộ dân, hơn 7.000 nhân khẩu, diện tích đất canh tác 520/1.080ha diện tích tự nhiên.

Thế nhưng, trạm y tế cấp xã của Yên Quang chỉ vỏn vẹn 2 căn nhà cấp 4 diện tích chưa quá 200m², đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà đã “bần”, đất cũng “eo”, cả trạm y tế của một xã mà diện tích đất chưa tới 1.000m². Gần 40 năm kết thúc chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới mà Yên Quang vẫn còn tới gần 50% hộ nghèo. Đi từ thị trấn Nho Quan vào trung tâm xã, chỉ thấy Trại điều dưỡng thương binh và trụ sở UBND xã là khang trang. Còn lại, nhà cửa cư dân, kể cả trạm y tế xã, ít nhiều đều còn dáng dấp của thời bao cấp.

Có lẽ những CCB huyện Hải Hậu, trở lại mảnh đất này, thấy nặng lòng nên đề xuất với Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Và chúng tôi, khi đến khảo sát, mặc dù không phải trở về với “cảnh cũ người xưa” như họ, nhưng đã có chung sự đồng cảm trước một vùng quê giàu truyền thống cách mạng nhưng nghèo khó về cơ sở kinh tế - xã hội.

Công trình Trạm y tế xã Yên Quang nhanh chóng nhận được quyết định đầu tư. Và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ninh Bình đảm nhận rất tốt vai trò chủ đầu tư nên chỉ hơn 2 tháng thi công, công trình đã hoàn thành, không những vượt chỉ tiêu kế hoạch mà còn vượt cả giá trị đầu tư. Bộ đội Biên phòng Ninh Bình đã bỏ thêm hơn 150 triệu đồng tính tròn cả công sức và tiền của vào công trình.

Tiết mục văn nghệ tự phát của Đoàn cựu chiến binh huyện Hải Hậu (Nam Định) trong đêm giao lưu. Ảnh: VIỆT NGA

Tiết mục văn nghệ tự phát của Đoàn cựu chiến binh huyện Hải Hậu (Nam Định) trong đêm giao lưu. Ảnh: VIỆT NGA

3. Ngày 8-5-2013, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cùng với nhà tài trợ Vietinbank và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khánh thành và bàn giao trạm y tế cho nhân dân xã Yên Quang. Tối hôm trước đó, chúng tôi đã có mặt ở xã. Điều bất ngờ là, đã có hai xe 16 chỗ chở các CCB quê huyện Hải Hậu đổ quân xuống cùng lúc. Và bất ngờ hơn, ngay đêm ấy, một buổi biểu diễn văn nghệ tự phát giữa các CCB với đội văn nghệ xã được tổ chức. Những CCB tuổi đời ít nhất cũng ngoài 60, cùng với các cô thôn nữ tuổi 20 ngoài, có lẽ chưa bao giờ có thời gian và đạo diễn để luyện tập, ráp nối, mà hát và múa, mà song ca tốp ca nhịp nhàng ăn ý đến thế.

Nhìn những đồng đội tóc bạc da mồi giành nhau lên sân khấu, hát và múa say sưa như cái thời trai trẻ, tự nhiên tôi ứa nước mắt. Họ hát không phải để hát mà đang trải lòng mình với vùng đất, với bà con đồng bào đã cưu mang họ trong những năm tháng trai trẻ xa nhà chập chững bước chân vào quân ngũ. Hơn thế nữa, họ còn hát và múa thay những đồng đội, những thằng bạn cùng tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn huấn luyện với họ trên vùng đất này không có cơ hội trở về để được nói lời tri ân như họ...

Đêm về khuya, dường như sợ không đủ thời gian cho mỗi người trải lòng bằng bài hát, tất cả cùng nhảy lên sân khấu, cùng hát vang năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay chung một bàn tay, đã xung trận là năm người như một... Khán giả đứng chật xung quanh không có micro cũng gân cổ hát theo. Ánh điện trên sân khấu hắt ra soi chiếu dòng chữ “Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng” nổi bật trên bandrol treo trước hiên tòa nhà trạm xá hai tầng mới xây dựng như “đồng thanh tương ứng” - nghĩa tình tri ân!

NGUYỄN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục