(SGGPO).- Vừa qua, Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Trí thức thủ đô với đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2012-2020” để đóng góp ý kiến với Hội nghị Trung ương lần thứ 6 bàn về đổi mới giáo dục.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo, giới trí thức tiêu biểu của thủ đô như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, GS Hoàng Tụy, GS Chu Hảo, GS Phạm Minh Hạc, GS Nguyễn Lân Dũng..
Sau hội thảo, giới trí thức thủ đô đã gửi bản kiến nghị lên Hội nghị TƯ lần thứ 6 về đổi mới giáo dục. 6 kiến nghị gồm:
- Hội nghị Trung ương lần thứ 6 cần đánh giá đúng thực chất nền giáo dục hiện nay. Mọi Nghị quyết của Đảng liên quan đến sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham gia đóng góp của các tầng lớp xã hội để bám sát thực tiễn và tính khả thi cao.
- Nhà nước xem xét lại và chấn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng gắn kết giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục đại học, giáo dục nghề, khắc phục những lệch lạc có tính hệ thống hiện tại, giải quyết tốt việc phân luồng, liên thông mềm dẻo, linh hoạt trong toàn bộ hệ thống.
- Chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và trường lớp với trang thiết bị đầy đủ là 3 vấn đề cốt lõi của giáo dục. Đề nghị Nhà nước tập trung đầu tư giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập kể trên để phát triển giáo dục ngang bằng với các nước.
- Đề nghị kiểm tra một cách nghiêm túc toàn bộ vấn đề đầu tư, chi tiêu ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân cho giáo dục. Xây dựng một cơ chế phân bổ minh bạch và quản lý vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau cho giáo dục.
- Đề nghị tách hệ thống lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới như các nước. Trước mắt, đề nghị cho các giáo viên đã nghỉ hưu từ 1-1-1994 đến 1-5-2011 được hưởng phụ cấp thâm niên để bảo đảm công bằng và hợp đạo lý.
- Đề nghị thành lập Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo giúp Đảng và Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc đổi mới giáo dục. Kiến nghị Đảng mạnh dạn cải cách cơ chế tuyển chọn và sử dụng trí thức hiện nay, đổi mới tư duy về công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng những người đủ tâm, đủ tầm cho phát triển giáo dục.
PHAN THẢO