Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã họp bàn với các doanh nghiệp (DN) triển khai chủ trương hình thành chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT). Theo kế hoạch, trong tuần đầu của tháng 12 tới, TP sẽ tổ chức họp báo để công bố tiêu chí, danh sách và địa chỉ của chuỗi cửa hàng này, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó nan giải nhất vẫn là nguồn cung TPAT cho TP.
Người dân mua thịt heo VietGAP tại cửa hàng bình ổn thị trường Ảnh: CAO THĂNG Ảnh: CAO THĂNG
Từ mô hình thành công của Saigon Co.op
Tháng 5-2013, lần đầu tiên TPHCM tổ chức lễ ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) giữa Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) với 13 đơn vị sản xuất rau củ quả và 3 đơn vị sản xuất trái cây. Đây là chương trình mở đầu “chiến dịch” hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn” tại TPHCM và triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại TPHCM giai đoạn 2013 - 2015”.
Theo nội dung ký kết, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp quảng bá, trưng bày các sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP kinh doanh trong hệ thống siêu thị Co.opmart ở một khu vực riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Ngược lại, các nhà cung cấp cam kết sẽ tuân thủ đúng quy định sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, ATVSTP và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhìn nhận, sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình vượt xa so với mong muốn ban đầu của Saigon Co.op, thể hiện ở 3 góc độ, số lượng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm VietGAP tăng với sản lượng tăng gấp 2,5 lần so với năm 2013; đối với nhà cung cấp an tâm duy trì và mở rộng sản xuất theo chuẩn VietGAP và chính người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ chương trình nhờ hàng hóa ngày càng phong phú với giá bán rất cạnh tranh và ổn định.
Trở lại với chủ trương triển khai chuỗi cửa hàng TPAT, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, trước mắt TP sẽ chọn các hệ thống phân phối như Co.opmart, Satrafood, Vissan, Sargifood để triển khai. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi chủ yếu vẫn là rau củ quả, thịt gia súc và thịt gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. TP sẽ đưa ra tiêu chí chung cho các cửa hàng, cũng như từng sản phẩm sẽ được quản lý theo đúng quy trình từ chỉ dẫn địa lý đến nơi giết mổ và điểm bán cuối cùng… Theo bà Lê Ngọc Đào, với cách làm này, TPHCM sẽ hỗ trợ, khuyến khích các DN, HTX tăng cường đầu tư, phát triển nhiều hơn các trang trại chăn nuôi và gieo trồng được công nhận VietGAP, từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP.
Trăn trở nguồn cung
Tại cuộc họp, hầu hết các DN đều ủng hộ chủ trương phát triển chuỗi cửa hàng TPAT. Nhưng để triển khai thành công trong giai đoạn đầu và tiếp tục nhân rộng mô hình này là điều không dễ dàng bởi nguồn cung sản phẩm VietGAP còn rất hạn chế, nhất là mặt hàng thịt heo. Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, để có đủ nguồn heo VietGAP cung ứng cho chuỗi, mỗi ngày Vissan phải có trong tay khoảng 500 con để giết mổ, nếu tính bình quân mỗi tháng phải có 15.000 con. Trong khi đó, chu kỳ nuôi heo thịt ít nhất là 4 tháng thì cần phải có 60.000 con luân phiên nuôi trong các trại mới đảm bảo đủ lượng cung ứng.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc An, qua khảo sát tại các trại thì vấn đề tìm nguồn cung heo VietGAP là rất nan giải bởi mỗi trại hiện chỉ nuôi từ 20-30 con. Vissan không thể đi gom heo ở từng trại. “Gần đây, Công ty An Hạ nổi lên như một DN có nguồn cung với số lượng lớn heo VietGAP nhưng khi Vissan đến làm việc thì công ty này cũng không thể chốt được số lượng heo giao hàng ngày. Tại các địa phương có thế mạnh về chăn nuôi như Đồng Nai lại chưa mặn mà với VietGAP!”, ông Nguyễn Ngọc An cho biết.
Tương tự, tại hệ thống Co.opmart, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20 tấn heo mảnh, tương đương với 300 con và 90 tấn rau củ quả các loại. Với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi), hiện có 2 trại chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP. Mỗi tháng Sargi mới chỉ cung ứng cho Co.opmart khoảng 100 tấn, số còn lại là để chế biến và bán cho các cửa hàng của Sargi, Thế Giới Di Động; riêng mặt hàng thịt gia cầm đang cung ứng khoảng 50-60 tấn/ngày.
Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2013 đến nay, mới chỉ có 16 sản phẩm tham gia chuỗi TPAT, 72 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện với tổng sản lượng hơn 37.400 tấn/năm, gồm rau quả, thịt heo, thịt gà, trứng gà, trà, thủy sản và nước mắm. Đã có 711 tổ chức, cá nhân sản xuất rau được chứng nhận VietGAP với hơn 346 ha, tương đương gần 1,8 triệu ha gieo trồng với sản lượng hơn 40.400 tấn/năm. Với VietGAP trên heo, dự án Lifsap cấp giấy chứng nhận 742 hộ nuôi với 45.000 con heo, cung ứng bình quân ra thị trường khoảng 300 con/ngày.
Tuy nhiên, những con số này không thấm vào đâu so với mức tiêu thụ bình quân hàng ngày của người dân TP. Chính điều này buộc các sở, ngành chức năng và nhà phân phối phải tính toán thật kỹ về nguồn cung để xây dựng chiến lược phát triển các cửa hàng TPAT bài bản và phù hợp với thực tiễn. Ông Nguyễn Thành Nhân cho hay, với Saigon Co.op việc triển khai mô hình chuỗi cửa hàng TPAT là khá thuận lợi vì có đến 90% rau củ quả (trong số 90 tấn tiêu thụ hàng ngày) đã đạt chuẩn VietGAP. Khả năng các vệ tinh của Saigon Co.op ở Lâm Đồng và các HTX tại TPHCM tăng nguồn cung rau VietGAP còn rất lớn nên không đáng lo. Tương tự, với mặt hàng thịt gia cầm, các nhà cung cấp của Saigon Co.op cũng tăng cường liên kết với các HTX để tăng tổng đàn theo VietGAP nên nguồn cung rất khả thi. Nếu giải được bài toán về nguồn cung thịt heo VietGAP, đồng thời Vissan cam kết cung ứng đủ số lượng về thịt bò… thì việc triển khai chuỗi cửa hàng TPAT của Saigon Co.op chắc chắn sẽ thành công.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, việc triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp TPAT sẽ là một trong những chương trình trọng điểm để TPHCM từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để thành công thì ngoài sự nỗ lực của các DN, sự triển khai chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sở ngành rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó khâu tuyên truyền, vận động để từng bước thay đổi ý thức tiêu dùng của người dân là rất quan trọng .
Theo bà Lê Ngọc Đào, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chuỗi cửa hàng TPAT nhưng nếu có sự đồng lòng của các sở, ngành và DN sẽ từng bước khắc phục được. Về cách làm, TP sẽ triển khai theo dạng cuốn chiếu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không thể triển khai một cách đại trà. Trước mắt, các nhà cung cấp cần ưu tiên sản phẩm VietGAP cho các cửa hàng tham gia chuỗi. Mỗi DN sẽ chọn ra các điểm bán để gửi đăng ký về Sở Công thương trước ngày 3-12. Dự kiến vào trung tuần tháng 12, TP sẽ tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Tại hội nghị sẽ thông báo đến các tỉnh về kế hoạch triển khai chuỗi cửa hàng TPAT, nếu có nguồn VietGAP sẽ báo cho sở xem xét và kết nối nhằm tăng nguồn cung cho TP. |
THÚY HẢI