Ngày 16-5, bên lề hội nghị sơ kết việc thực hiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) phía Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề vay tiền theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho BĐS. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết:
Khi soạn thảo Thông tư hướng dẫn, chúng tôi đã có bàn với Ngân hàng Nhà nước nên phân bổ cho các địa phương trong gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ý kiến của Ngân hàng Nhà nước là cứ để các địa phương và ngân hàng triển khai. Anh nào làm đến đâu ngân hàng rót vốn đến đấy chứ không phân bổ, cho vay đến đâu Ngân hàng Nhà nước giải ngân đến đấy. Việc cho vay tập trung vào 5 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối. Chính phủ dành 30.000 tỷ đồng trong điều kiện hiện nay là cố gắng lớn, chiếm 15% tổng dư nợ của BĐS hiện nay, trong khi tăng trưởng tín dụng chung chỉ có 1,4%.
- Phóng viên: Thưa thứ trưởng, người vay có được chọn dự án hay chỉ được vay ở những dự án do ngân hàng chỉ định?
>> Thứ trưởng NGUYỄN TRẦN NAM: Không có quy định này. Bản chất của nhà ở xã hội, thu nhập thấp là phát triển theo cơ chế thương mại có sự hỗ trợ của Nhà nước nên người dân được chọn lựa các dự án phù hợp với quy định về giá, diện tích và đối tượng.
- Cơ quan nào sẽ đứng ra xét các đối tượng được vay?
Thông tư 07 đã hướng dẫn, thủ tục rất đơn giản. Đối với những người được mua nhà ở xã hội đã có quy định trong Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ và đã được đưa vào nghị định sắp ban hành. Khi người dân đã có hợp đồng mua nhà ở xã hội rồi thì chỉ cần đem đến ngân hàng vay tiền thôi, không cần phải xác định, xét duyệt gì nữa. Chỉ những đối tượng mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì phải có xác nhận. Đối với những người đi làm các cơ quan, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đi làm công ty… chỉ cần xác nhận của cơ quan chủ quản.
Người vay đến các chi nhánh của 5 ngân hàng nộp hồ sơ vay gồm hợp đồng mua bán nhà, có xác nhận của cơ quan… Riêng người mua nhà ở xã hội chỉ cần hợp đồng mua nhà. Đối với các chủ đầu tư được vay phải do Bộ Xây dựng thẩm định trước khi chuyển hồ sơ qua ngân hàng. Dự án được vay phải có đất sạch, được phê duyệt đầy đủ thủ tục, pháp lý… lúc đó Bộ Xây dựng mới duyệt.
- Thưa thứ trưởng, thủ tục cho vay có khắt khe?
Bộ Xây dựng chỉ quy định đối tượng và điều kiện. Nhìn chung vẫn phải tuân thủ điều kiện vay của ngân hàng. Điều kiện vay trong thông tư của Ngân hàng Nhà nước nói rõ phải có phương án trả nợ, có nguồn trả nợ, phải có 30% để đối ứng. Bởi nguyên tắc cho vay phải thu hồi vốn. Thế chấp ngân hàng quy định đi vay phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên có một điều mở là các ngân hàng được quyền quyết định phải có thế chấp hay không, tùy theo đối tượng. Nếu ngân hàng thấy căn nhà đi mua đã hình thành, vị trí tốt, người đi vay có thân nhân tốt, làm việc tốt, cơ quan ổn định thì ngân hàng có thể không cần thế chấp. Còn đối với những đối tượng khác thì ngân hàng có thể đòi hỏi thế chấp, đáp ứng các điều kiện ngân hàng đưa ra.
- Trong trường hợp cho vay đối với cá nhân quá nhiều, vượt quá khoảng 21.000 tỷ đồng thì hướng xử lý như thế nào?
Cứ làm hết đi đã. Nếu có hiệu quả sẽ xem xét thực tiễn đề nghị thêm hoặc không thêm. Từ ngày 1-6 mới bắt đầu thì chưa thể nói hết hay không hết.
| |
Lương Thiện thực hiện