Triển khai mô hình theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”: Khó nhưng phải làm

Triển khai mô hình theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”: Khó nhưng phải làm

Mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” là một trong những đề án quan trọng giai đoạn 2013 - 2015 nhằm hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn” tại TPHCM. Trên thực tế, sau nhiều năm triển khai, đề án vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn vì nhiều nguyên nhân.

Hiệu quả chưa cao

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM cho biết, những năm qua, TPHCM đã và đang triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, từ cung cấp vật tư nông nghiệp đến khâu làm đất, chăm sóc bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển thực phẩm và cuối cùng là giai đoạn sơ chế, chế biến, đóng gói một cách an toàn để chuyển đến tay người tiêu dùng. Để thực hiện thành công đề án là rất nan giải bởi hoạt động chăn nuôi, giết mổ tại nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, không tập trung. Mặt khác, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tại TPHCM quá lớn, trong khi sản xuất của TP mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, số còn lại được cung ứng từ các tỉnh, thành khác nên còn nhiều cản ngại trong việc thực hiện đề án. 11 tháng đầu năm 2014, TP mới chỉ kiểm tra 45.000 tấn thực phẩm các loại, con số này còn rất khiêm tốn so với thực tế.

Chọn mua rau củ Viet GAP tại Co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng song song thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, ngày 7-3-2013, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề cương xây dựng Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm VSATTP. Đến ngày 12-3-2013, UBND TP chính thức cho phép triển khai thí điểm mô hình này tại TPHCM. Ngay sau đó, Sở Công thương TP phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các quận, huyện tiến hành nhiều cuộc họp để chọn ra các chợ thực hiện thí điểm. Kết quả, các bên đã thống nhất chọn ra 2 chợ để thực hiện là chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Cụ thể, tại chợ Bến Thành, Sở Công thương đã bàn bạc với ban quản lý chợ thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm (gồm 32 hộ kinh doanh); rau củ quả (46 hộ) và ngành hàng ăn uống (85 hộ) để triển khai thí điểm. Tại chợ Hóc Môn, chọn 2 ngành hàng để thực hiện là ngành hàng thịt gia súc (gồm 87 hộ kinh doanh) và rau củ quả (chọn 16 hộ).

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, sau một thời gian triển khai thử nghiệm tại chợ Hóc Môn, ở ngành hàng thịt gia súc, khả năng thực hiện thí điểm mô hình chợ VSATTP thành công là khá cao vì hiện nay nguồn thịt về chợ đều đã thực hiện tốt công đoạn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng với mặt hàng rau củ quả thì không đơn giản vì hiện nay tỷ lệ hàng hóa truy xuất chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân chính, là do chúng ta vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh rau củ quả, cung ứng cho thị trường với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, cũng không dễ dàng để đưa việc kinh doanh ngành hàng rau củ quả đi vào khuôn khổ vì lâu nay tiểu thương họ đã quen với cách nghĩ, cách bán hàng thoải mái. Nhận thức được điều này, nên các sở, ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai như tăng cường tuyên truyền cho tiểu thương hiểu được tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc thực hiện dự án. Chính vì lẽ trên, trước mắt các bên đã chọn 16 hộ kinh doanh rau củ quả khu E chợ Hóc Môn đã và đang kinh doanh các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP để thực hiện thí điểm. Nếu thành công, sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh còn lại cùng tham gia đề án. Đến tháng 7-2014 vừa qua, Sở Công thương tiếp tục làm việc với 17 chợ loại 1 của TP để đưa rau VietGAP ra chợ.

Cần lộ trình phù hợp

Theo các sở, ngành chức năng, cùng với việc sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún thì ở nước ta việc quản lý thực phẩm an toàn theo chuỗi còn là một vấn đề khá mới mẻ nên khó thực hiện. Nhằm đảm bảo các sản phẩm đầu ra của cơ sở tham gia chuỗi phải an toàn để đáp ứng các điều kiện tham gia chuỗi phải có quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng đến chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản lâu dài của DN. Việc triển khai thực hiện không chỉ ở một ngành, một địa phương mà có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ sở, ban ngành; giữa các tỉnh với TPHCM. Vì vậy, xây dựng và phát triển “Chuỗi thực phẩm an toàn” từ trang trại đến bàn ăn phải cần một lộ trình phù hợp trên một hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực sẽ tạo sự tác động rõ rệt và toàn diện hơn về an toàn thực phẩm. Theo đó, công việc này phải gắn liền với lợi ích thiết thực cho các DN mới có thể thúc đẩy họ tham gia dự án, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

“Cho dù gian nan, thử thách, nhưng TPHCM vẫn kiên trì thực hiện vì đảm bảo ATVSTP để bảo vệ giống nòi đã trở thành yêu cầu cấp thiết” - ông Huỳnh Lê Thái Hòa khẳng định. Theo ông Hòa, trong năm 2015, TP tăng cường tuyên truyền cho đề án, có chính sách hỗ trợ cho DN như quảng bá hình ảnh DN và sản phẩm trên các báo, đài, website của chi cục để người tiêu dùng chọn lựa; cấp giấy chứng nhận sản xuất theo chuỗi miễn phí cho DN, đồng thời tiến hành tổ chức các chương trình kết nối cho các DN được chứng nhận đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối…

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cũng cho rằng, với quyết tâm xây dựng “Chuỗi thực phẩm an toàn”, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng trong việc tiến hành xây dựng chuỗi các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn ở nhiều quận, huyện tại TP, đồng thời, gắn nhãn mác “thực phẩm an toàn” cho các sản phẩm nằm trong chuỗi. Trước mắt, Sở Công thương đang tiếp tục vận động, khuyến khích các DN, các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị bố trí quầy kệ riêng để bày bán các loại rau đạt chuẩn VietGAP, giúp người dân dễ nhận biết và có sự so sánh về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, TP cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người dân biết, hiểu thế nào là thực phẩm nằm trong “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Điều kiện tham gia chuỗi và các bước gia nhập chuỗi thực phẩm an toàn cơ sở phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các điều kiện của chuỗi. Cụ thể như sau:

1/Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện chuỗi tại Chi cục VSATTP TPHCM.

2/Sau khi thẩm xét hồ sơ, đối với hồ sơ đạt yêu cầu, đoàn thẩm định sẽ tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở để đánh giá điều kiện cơ sở. Thời gian có thể kéo dài từ 25 - 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, tùy theo tình hình thực tế.

3/Thông báo kết quả và trả kết quả cho cơ sở, DN. Thời gian từ khi DN, cơ sở nộp hồ sơ, đề nghị cấp giấy chứng nhận đến khi đoàn thẩm định thẩm định thực tế không quá 17 ngày. Sau khi thẩm định thực tế và có kết quả xét nghiệm mẫu không quá 30 ngày để trả kết quả cho DN, cơ sở. Nếu cơ sở, DN đảm bảo đầy đủ các tiêu chí tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục