Triển khai năm học mới ở bậc mầm non: Ngổn ngang trăm mối!

Băn khoăn Đề án phổ cập
Triển khai năm học mới ở bậc mầm non: Ngổn ngang trăm mối!

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014 do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina tổ chức vào sáng 22-8.

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội, quận 4 TPHCM trong giờ tập hát. Ảnh: MAI HẢI

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội, quận 4 TPHCM trong giờ tập hát. Ảnh: MAI HẢI

Băn khoăn Đề án phổ cập

Sau hơn ba năm triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNTNT), đến nay vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ xã/phường đạt chuẩn phổ cập dưới 10% như Kiên Giang (4,8%), Sóc Trăng (6,4%), An Giang (9%)… Cả nước còn 35% tỉnh, thành phố chưa có huyện đạt chuẩn phổ cập.

Ngoài ra, theo PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT, cả nước hiện vẫn còn 365/11.124 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non, 26.710 lớp ghép và 26,11% trẻ chưa được ăn bán trú tại trường khiến công tác quản lý và đảm bảo chất lượng gặp nhiều khó khăn. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho năm học mới là cố gắng phấn đấu có thêm 18 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt chuẩn PCGDMNTNT, đồng thời nâng cao tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày. TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đặt yêu cầu: “Việc thực hiện đề án phổ cập phải gắn liền với xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất và quy hoạch đào tạo giáo viên. Các địa phương không thể chạy đua tiến độ mà thiếu sự chuẩn bị lâu dài”. 

Vẫn thiếu giáo viên, cơ sở vật chất

Số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, năm học 2013 - 2014, cả nước thiếu 20.523 giáo viên, trong đó số giáo viên đang công tác chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo đến 9.670 người. Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải đảm bảo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp nhưng thực tế ở các địa phương cho thấy mục tiêu thực hiện còn rất xa vời.

Bên cạnh những thực trạng đáng lo đó, giáo dục mầm non năm qua cũng có những tín hiệu tích cực. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở bậc nhà trẻ là 4,3%; mẫu giáo 4,7%; giảm 0,5% so với năm học trước. Các cơ sở giáo dục đã phối hợp tốt với y tế địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ đến trường. Năm học qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức 5 lớp tập huấn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho một số tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn ở những nơi có tổ chức bán trú, đảm bảo đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng theo quy định và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường mầm non.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non năm học 2013 - 2014 là từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh, năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT phát động cuộc thi “Tìm hiểu về dinh dưỡng với sức khỏe trẻ mầm non” cho khoảng 12.000 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trên cả nước nhằm nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở các trường mầm non.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục