Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025. Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cơ quan nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch này đang khẩn trương chuẩn bị công tác công bố quy hoạch, dự kiến trong cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 sắp tới. Tuy nhiên, lập quy hoạch mới là giai đoạn khởi đầu, thực hiện quy hoạch ra sao mới là vấn đề đòi hỏi nhiều nỗ lực. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.
Cân đối nhu cầu và nguồn lực
- PV: Thưa ông, việc triển khai thực hiện một quy hoạch mang tầm vóc lớn như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 sẽ được bắt đầu từ đâu? Bên cạnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM… thành phố có khá nhiều đồ án quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước, thoát nước, quy hoạch phát triển công nghiệp… đang được triển khai thực hiện. Tất cả các quy hoạch này sẽ được phối hợp tiến hành ra sao?
>> PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Trước mắt, tất cả các ngành đã có quy hoạch phát triển được phê duyệt phải tiến hành rà soát lại các quy hoạch của mình và nếu cần phải điều chỉnh cho tương thích với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025. Ngành nào chưa lập quy hoạch thì phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể này để nhanh chóng lập quy hoạch cho ngành mình. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 là quy hoạch mang tính chất định hướng chung cho sự phát triển của thành phố nên tất cả các quy hoạch khác phải phù hợp với định hướng chung này. Khi triển khai thực hiện các quy hoạch, các ngành cũng phải căn cứ vào kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 để làm. Điều này sẽ đảm bảo cho sự thống nhất, cân đối chung cho toàn thành phố. Hiện nay, TPHCM đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, công trình trọng điểm như chương trình chống kẹt xe nội thị, chương trình chống ngập… Tất cả các chương trình, công trình này cũng sẽ được tích hợp và triển khai thực hiện đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020.
- Từ nay đến năm 2020 không còn nhiều thời gian… Công việc rà soát lại các quy hoạch, dự kiến sẽ mất bao lâu, thưa ông? Sau rà soát, công việc cụ thể nào sẽ được triển khai đầu tiên?
Về nguyên tắc, các ngành phải nhanh chóng rà soát lại quy hoạch của mình và khớp nối với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025. Quy hoạch là định hướng chung, do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả, các ngành phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn lực có thể tham gia vào việc thực hiện quy hoạch để xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Ở đây tôi đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn lực bởi hiện nay, nhiều ngành còn có tâm lý xây dựng kế hoạch thực hiện “hoành tráng” để rồi sau đó không đủ nguồn lực thực hiện lại xin hỗ trợ của thành phố hoặc trung ương làm cho thành phố và trung ương rơi vào thế bị động. Trong tình huống thành phố hoặc trung ương không hỗ trợ kinh phí, kế hoạch thực hiện quy hoạch sẽ bị phá sản… Hậu quả trước tiên sẽ là hàng loạt các dự án, chương trình phục vụ cho việc triển khai kế hoạch sẽ bị “treo”. Dự án, chương trình “treo” tất yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân như từ trước đến nay chúng ta vẫn thường thấy. Nhu cầu của xã hội cũng là một yếu tố quan trọng để xem xét triển khai lập và thực hiện quy hoạch. Quy hoạch là định hướng phát triển nên trong đó cũng định hướng cả nhu cầu. Như vậy, nhiều nhu cầu trong quy hoạch là nhu cầu của tương lai xa, không phải của hiện tại. Nếu đáp ứng ngay các nhu cầu này trong khi xã hội chưa cần, sẽ là lãng phí. Việc phát triển địa ốc ồ ạt, dẫn đến dư thừa trong thời gian qua là một bài học lớn.
Cần cơ chế để đột phá
- Có giải pháp nào đột phá, giúp thành phố làm kịp tiến độ hay không?
Giải pháp đột phá là TPHCM phải có được một cơ chế thực hiện phù hợp. Cơ chế ấy chính là mô hình chính quyền đô thị mà TPHCM đang đeo đuổi. Theo mô hình này, TPHCM được chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện rất nhiều vấn đề. Nghị quyết Trung ương 6 đã giao nhiệm vụ cho TPHCM, đến năm 2020, GDP bình quân/người phải đạt 8.500 USD. Để TPHCM có thể làm được nhiệm vụ này, Trung ương phải tạo điều kiện cho TPHCM bức phá. Cùng với cơ chế thực hiện là một cơ chế giám sát thực hiện. Hiện nay HĐND TPHCM, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cùng nhiều đoàn thể khác đang thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện quy hoạch ở TPHCM nhưng đa phần hoạt động giám sát này mang tính chuyên môn chưa cao. Trong bối cảnh nhiều ngành… còn có tâm lý “quá coi trọng ngành”, thiếu sự cân đối chung thì rất cần có một cơ quan giám sát mang tính chất chuyên môn cao để giám sát việc thực hiện đồ án quy hoạch quan trọng này. Tốt nhất là TPHCM nên lập ra một ban chỉ đạo có chuyên môn cao giám sát việc thực hiện đồ án quy hoạch. Ban chỉ đạo này có trách nhiệm tham mưu cho UBND TPHCM quyết liệt thực hiện quy hoạch và giúp thành phố cân đối hài hòa các vấn đề trong việc thực hiện quy hoạch. Chưa hết, để thực hiện thành công Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 cần có một nguồn vốn rất lớn. Nguồn vốn này là vốn ngân sách thành phố, vốn huy động của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, vốn vay của nước ngoài… Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, một cơ chế phù hợp để TPHCM có thể huy động các nguồn lực xã hội và vay vốn ưu đãi nước ngoài là rất quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến sự thành công của việc thực hiện quy hoạch.
- Là trung tâm kinh tế lớn nhất nước nhưng sự phát triển của TPHCM cũng phải đặt trong bối cảnh chung của đất nước, trong mối quan hệ hài hòa với các bộ, ngành, các tỉnh, thành bạn… Với cơ chế riêng cho TPHCM liệu có đảm bảo yếu tố hài hòa với cả nước?
Ngay trong quá trình nghiên cứu, lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, chúng tôi đã lưu ý đến vấn đề này. Về cơ bản, một cơ chế phù hợp cho TPHCM là một cơ chế cho phép TPHCM được chủ động hơn trong các vấn đề của mình mà không đi ngược lại quy định chung của Nhà nước. Đơn cử, hiện nay nếu muốn vay vốn nước ngoài để đầu tư lớn, TPHCM phải “chạy” ra xin Trung ương… Như vậy, mất rất nhiều thời gian. Trên cơ sở cân đối lợi ích chung, Trung ương chỉ cần chấp thuận về chủ trương và tạo cơ chế cho TPHCM chủ động thu hút các nguồn vốn đầu tư.
- Cảm ơn ông!
| |
NGUYỄN KHOA (thực hiện)