Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 8-5, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống khoảng 1,2 triệu ha/1,68 triệu ha lúa hè thu. Những nơi xuống giống sớm như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang… đang bắt đầu thu hoạch khoảng 100.000ha lúa hè thu sớm. Dự kiến đến giữa tháng 5-2013 đạt hơn 200.000ha. Song vấn đề lo ngại hiện nay là giá lúa sụt giảm, trong khi xuất khẩu gạo ùn ứ, nguy cơ ế lúa hè thu đang là nỗi trăn trở của hàng triệu hộ nông dân trồng lúa.
Bấp bênh lợi nhuận
Nếu như những năm trước nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa sớm thường bán được giá cao, lời nhiều thì nay trái ngược khi giá xuống thấp nhưng chi phí đầu tư lại tăng cao. Ông Võ Văn Đức canh tác 10ha lúa ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: “Vụ hè thu này năng suất cao nhất khoảng 6 tấn/ha, trong khi giá lúa tươi hạt dài hiện nay chỉ 4.500 đồng/kg, lúa tươi loại thường khoảng 4.200 - 4.300 đồng/kg… Các khoản đầu tư như phân thuốc, xăng dầu, nhân công… đều cao, tính ra nông dân lời rất mỏng”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, nhờ chủ động gieo sạ sớm nên 38.000ha lúa hè thu ở huyện đang thu hoạch rộ; tuy nhiên giá lúa thấp khiến nông dân lo lắng. Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến việc tái đầu tư sản xuất lúa vụ 3 mà các chỉ tiêu phát triển khác cũng khó đạt, bởi cây lúa là nguồn kinh tế chính của huyện. Ở các xã Tân Công Chí, Thông Bình, Tân Phước, Tân Thành A… thuộc huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp), nhiều nông dân cũng bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm. Ông Phan Thanh Xuân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng cho hay, đã có hơn 5.000ha/22.000ha lúa thu hoạch xong, số còn lại đang tiếp tục vào cao điểm. Cái khó lúc này là giá thấp, tiêu thụ trở ngại khiến ngành nông nghiệp và người dân sốt ruột.
Theo Sở NN-PTNT Long An, những ngày qua ở các huyện đầu nguồn như Tân Hưng, Vĩnh Hưng… đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu sớm. Mọi việc như máy gặt, nhân công… được chuẩn bị chu đáo. Vấn đề lo ngại là vụ đông xuân vừa qua giá thấp, tiêu thụ khó khăn ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Nếu vụ hè thu này tiếp tục lặp lại tình trạng trên thì hàng loạt hộ trồng lúa năm nay mất trắng.
Định vị lại sản xuất và xuất khẩu gạo
Điều khiến các ngành chức năng và nông dân ĐBSCL mất ngủ là tình trạng xuất khẩu gạo ùn ứ, giá xuất của Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới nhưng vẫn khó bán. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết các doanh nghiệp đang “ôm” khoảng 2 triệu tấn gạo tồn kho chưa bán được. Vì vậy, việc tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL ước khoảng 9 triệu tấn đang là vấn đề vô cùng nan giải.
Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang trăn trở: “Thống kê mới nhất cho thấy ở Kiên Giang còn tồn khoảng 588.000 tấn lúa hàng hóa vụ đông xuân 2012 – 2013, trong đó lúa thơm chiếm 250.000 tấn. Về cơ bản, nông dân gặp nhiều khó khăn bởi áp lực cần vốn trả nợ vật tư, tái đầu tư vụ sau, chi tiêu trong gia đình… Đã mấy tháng trôi qua, nhiều hộ chưa bán được lúa đông xuân do giá thấp. Nay vụ hè thu đã bắt đầu thu hoạch ở nhiều nơi, đồng nghĩa với sản lượng lúa tăng thêm, trong khi giá giảm khiến tình hình rất rối”. Trước áp lực giải quyết lúa tồn đọng của vụ đông xuân còn nhiều và chuẩn bị tiêu thụ lúa hè thu, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành chức năng xem xét giao trực tiếp cho tỉnh Kiên Giang mua tạm trữ thêm 100.000 tấn gạo, nhằm giảm lượng lúa còn nhiều trong dân.
Hiện các tỉnh ĐBSCL vô cùng lo lắng, khi đến nay vẫn chưa nghe các bộ ngành chức năng hay VFA “đá động” đến việc đề xuất phương pháp hoặc triển khai kế hoạch thu mua lúa hè thu. Nếu thực hiện càng chậm, khi vùng ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ trong thời gian tới đây thì nguy cơ giá tiếp tục giảm, ùn ứ lúa hè thu là khó tránh khỏi. Càng lo hơn, bởi chất lượng lúa hè thu thường kém xa so với lúa đông xuân, tỷ lệ lúa hè thu được sấy ở ĐBSCL còn thấp, chỉ 30% - 40%. Do đó, nếu thu hoạch ngay lúc gặp mưa bão thì việc tiêu thụ lúa càng gặp nhiều trở ngại. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, dân đồng bằng không thể trữ được lúa do không có kho chứa và không có vốn nên thu hoạch xong thì cần bán ngay. Nếu như nhà nước nỗ lực giải cứu bất động sản thì cũng cần nhanh chóng giải cứu nông dân trồng lúa đang rơi vào thế khó.
Về lâu dài, các nhà chuyên môn đề nghị nên định vị lại sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam phù hợp với tình hình mới. Hiện xuất khẩu gạo trên thế giới đã chuyển sang trạng thái cung vượt cầu. Những nước thiếu gạo nhiều như Indonesia, Philippines… đang nỗ lực tiến tới tự túc về lương thực. Trong khi áp lực cạnh tranh về xuất khẩu gạo từ Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar… đối với gạo Việt Nam ngày càng tăng.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đề xuất không nên xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu số lượng, mà chú trọng vào giá trị và lợi nhuận thu được của nông dân trồng lúa. Sau khi đảm bảo lượng lúa gạo cho mục tiêu an ninh lương thực, số lượng còn lại nên sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nước nào cần loại gạo nào thì sản xuất theo nhu cầu đó. Có thể xuất khẩu ít lại nhưng giá trị tăng vẫn tốt hơn. Ngoài ra, cần xem xét kỹ lại ở vùng ĐBSCL có cần sản xuất lúa 3 vụ liên tục/năm, trong điều kiện xuất khẩu gạo khó khăn như hiện nay?
Huỳnh Lợi - An Bình