Động vật có vú khổng lồ (ảnh) từng rong ruổi khắp châu Âu, Á, Phi và Bắc Mỹ trong Kỷ băng hà và biến mất khỏi trái đất 4.000 năm trước có thể được hồi sinh nhờ công nghệ di truyền, các nhà khoa học công bố tại hội nghị thường niên Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học (AAAS) ở Boston trung tuần tháng 2.
Giáo sư George Church từ nhóm nghiên cứu Đại học Harvard cho biết, trong 2 năm tới, có thể tạo được một phôi voi lai, với các đặc điểm di truyền voi ma mút được lập trình vào một con voi châu Á, bà con gần gũi nhất còn sống của voi ma mút, không phải voi châu Phi. Sinh vật gọi là “mammophant” này sẽ có các đặc trưng ma mút như tai nhỏ, mỡ dưới da, lông dài và máu thích nghi khí hậu lạnh, được ghép vào ADN của voi châu Á bằng cách sử dụng công cụ chỉnh sửa gien mạnh gọi là Crispr. Nhóm nghiên cứu đang tiến tới tạo phôi lai trong phòng thí nghiệm, dù còn nhiều năm để tạo một sinh vật sống. Theo Church, dự án khổng lồ bắt đầu vào năm 2015 này còn có thể giúp bảo tồn voi châu Á đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Hồi sinh voi ma mút đã trở thành một triển vọng thực tế nhờ các kỹ thuật chỉnh sửa gien đột phá, cho phép lựa chọn chính xác và ghép ADN lấy từ mẫu voi ma mút được đông lạnh nhiều thiên niên kỷ trong băng ở Siberia. Chỉnh sửa gien và ý nghĩa đạo đức của kỹ thuật này là một trong những chủ đề chính tại hội nghị AAAS Boston.
BẢO NGHI