Triển vọng ở robot cá thế hệ 2

Tiếp nối thành công robot cá made in Vietnam đầu tiên điều khiển bằng tay cầm, do nhóm cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chế tạo, một nhóm sinh viên khác của trường đã cho ra đời chú robot cá thế hệ 2 với nhiều cải tiến về công nghệ.

Mất hơn một năm nghiên cứu (từ 2-2010 đến 3-2011), nhóm sinh viên gồm Nguyễn Đăng Phúc, Đặng Minh Nhật, Lê Minh Thuận và Phạm Thành Trung đã hiện thực hóa được ý tưởng tạo ra chú robot cá phỏng sinh học tích hợp nhiều cảm biến. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu robot phỏng sinh học không phải là chuyện dễ dàng.

Nhóm trưởng Nguyễn Đăng Phúc chia sẻ: “Trong tháng đầu tiến hành nghiên cứu, cả nhóm đã phải quan sát những chú cá chép trong môi trường thật để từ đó mô phỏng lại trong máy tính và thiết kế ra mô hình robot cá. Một trong những vấn đề nan giải khi chế tạo chính là chống thấm trong môi trường nước. Sẽ thật sự bế tắc nếu chúng tôi không có sự giúp sức từ tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Khoa cơ khí - chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM”.

Phúc cho biết: “Với chiều dài hơn 0,5m, robot cá gồm 4 phần: Đầu, mình, thân đuôi và đuôi. Robot có thể bơi ở độ sâu 1m, đạt tốc độ 100mm/s. Robot cá bơi khá nhịp nhàng uyển chuyển trong môi trường nước khá giống với cá chép thật. Với hệ thống cảm biến, robot cá có thể nhận biết và tránh được các vật cản trong môi trường nước. Nhóm nghiên cứu cũng trang bị camera trong phần đầu robot cá, từ đây camera nhận tín hiệu và truyền hình ảnh trực tiếp về máy tính thông qua sóng không dây, phục vụ cho công tác thám hiểm trong môi trường nước. Ngoài ra với camera tích hợp, robot cá có thể nhận biết được các vật thể biết trước”. Thành viên Minh Nhật cho biết thêm: “Để robot cá không bị “lạc” khi bơi, nhóm chúng tôi còn trang bị thêm la bàn điện tử giúp robot có thể tự nhận biết được phương hướng và đường đi”.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh cho rằng: “Robot cá thế hệ 2 thông minh hơn nhờ tích hợp cảm biến, vì thế sẽ dễ dàng ứng dụng trong đa lĩnh vực: Khám phá lòng sông - những nơi nguy hiểm đối với con người; quan trắc môi trường sông, biển phục vụ việc đánh giá mức độ ô nhiễm; phục vụ việc giảng dạy trong các trường đại học và là một thiết bị giải trí công nghệ cao. Hiện chúng tôi đang hướng robot cá vào công việc quan trắc đê điều nhằm tìm ra những vết nứt để gia cố, đồng thời tích hợp thêm công nghệ tự động phân tích mức độ ô nhiễm nguồn nước, từ đó truyền thông tin trực tiếp về máy tính điều khiển”. Dự kiến, nhóm sẽ mất thêm khoảng 6 tháng nữa để cải tiến cơ cấu của robot, làm cho robot chuyển động nhịp nhàng hơn nữa, đồng thời nâng cao sự thông minh của robot bằng việc tích hợp thêm các cảm biến.

T.HÂN

Tin cùng chuyên mục