Bài 1: Bắt “bệnh”
Sau đợt ra quân đánh mạnh của Công an quận Bình Thạnh thu giữ hơn 500 xe đua dưới chân cầu Kinh (quận Bình Thạnh), tình hình đua xe trái phép trong thanh thiếu niên tại TPHCM gần tháng nay có vẻ lắng lại. Tuy nhiên, sự yên ắng này của các quái xế không nằm ngoài mục đích nghe ngóng, thăm dò phản ứng của các cơ quan chức năng. Bằng chứng là những đêm gần đây, người ta vẫn nghe những tiếng xe rú, sáng rực trên các tuyến đường.
Thực tế này cho thấy, mặc dù TP có chỉ đạo xử lý kiên quyết nhưng chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhà tâm lý, để giải quyết tận gốc căn bệnh này, cần phải bóc tách, phân tích rõ mọi nguyên nhân.
Nguyên nhân từ nền tảng giáo dục gia đình
Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Hiệu phó Trường Cán bộ TP cho rằng, một trong những đặc điểm chung có ảnh hưởng tới hành vi chấp hành luật giao thông của thanh niên là tâm lý lứa tuổi, biểu tượng về cái “tôi” đã hình thành và đang trong giai đoạn phát triển, củng cố. Do đó, trong nhiều trường hợp, sự tự đánh giá về bản thân không ổn định và có tính mâu thuẫn, thể hiện trong nhận thức vấn đề và thực hiện các hành vi cụ thể.
Ngoài ra, giao tiếp nhóm có thể là một nguyên nhân khá cơ bản và trực tiếp đưa các bạn trẻ đến hành vi vi phạm pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng. Đặc biệt là các bạn ở lứa tuổi đầu thanh niên, nhóm bạn có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của bản thân. Tâm lý sành điệu luôn là một động lực để các bạn trẻ không thể từ chối việc gia nhập và tuân phục các chuẩn mực riêng, đôi lúc kỳ quặc của nhóm bạn.
Vì vậy, việc đua xe trái phép có thể được tổ chức rất bài bản và dễ dàng lôi kéo các nhóm khác nhau tham gia, như để chứng minh tâm lý “dân chơi thứ thiệt” của một bộ phận bạn trẻ. Vấn đề này có thể nghiêm trọng hơn nếu các bạn trẻ ít học hoặc học kém, vì đối tượng này thường có khuynh hướng liên kết nhau phản kháng những giá trị tích cực bằng việc thực hiện những hành vi bất thường để tạo sự đặc biệt trong mắt người khác. Họ thích khẳng định mình bằng những hành vi vi phạm pháp luật.
Còn TS Nguyễn Văn Nghệ (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an) phân tích cụ thể: Nguyên nhân trước hết thuộc về sự giáo dục của gia đình. Những gia đình không hòa thuận, thường xảy ra mâu thuẫn, xung đột thường ảnh hưởng đến tình cảm, tâm tư, tâm trạng của đứa trẻ.
Ảnh hưởng xấu còn từ phương pháp giáo dục không đúng đắn của bố mẹ (chiều chuộng vô nguyên tắc, nhượng bộ một cách mù quáng, đối xử hà khắc, thô bạo với con cái…), thiếu sự quản lý chăm sóc đúng mực và tình trạng trẻ sống trong những gia đình không hoàn thiện. Những điều này đều có thể là mầm mống gây tâm lý lệch lạc trong giới trẻ.
Khác với người trưởng thành, người chưa thành niên vi phạm pháp luật giao thông chịu ảnh hưởng rất lớn của ba yếu tố: gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc điểm này xuất phát từ lứa tuổi chưa thành niên có thiên hướng bắt chước, dễ cảm xúc, thiếu kinh nghiệm sống, không biết đánh giá đúng một số hiện tượng. Họ lại ham muốn sống độc lập, thích biểu dương tính can đảm, xem mình như những nhân vật trong sách báo, phim ảnh.
Hiện tượng tâm lý đám đông
Theo Th.S Thân Thị Ngọc Phúc (Học viện Hành chính quốc gia), một nguyên nhân lớn khiến giới trẻ thích đua xe là hiện tượng tâm lý đám đông. Đám đông luôn bị cuốn hút theo những “thủ lĩnh”, mà thủ lĩnh trong đám đông đua xe chẳng qua chỉ là những người cuồng loạn nhất trong đám đông. Một đám đông tụ tập lại trong thời gian nào đó có thể coi là biểu hiện của một dục vọng đặc biệt, dục vọng bản năng “bầy đàn”, tâm lý nhóm, không thể phân tích được và không thể xuất hiện trong những điều kiện khác.
Thực tế chứng minh: Đám đông càng nhiều người và càng cổ vũ nhiệt tình bao nhiêu, hành vi của giới trẻ tham gia đua xe càng… bạo gan bấy nhiêu. Sự lây lan tâm lý trong đám đông tác động, kích thích đến cá nhân càng trở nên mạnh mẽ. Tình trạng đua xe liều lĩnh của giới trẻ có thể lý giải bằng cảm xúc - một yếu tố quan trọng chi phối hành vi của con người. Những ảo giác cực kỳ phổ biến và sự mất trí của đám đông khi tham gia vào đoàn đua với hàng trăm bạn trẻ phản ánh rõ điều này.
Sự sợ hãi bị bỏ rơi hay thất bại trước bạn bè, sợ hãi bị cảnh sát giao thông “tóm” được đã đưa đến sức mạnh áp đảo của đám đông, các cá nhân trong đoàn đua càng trở nên táo tợn. Càng nhận được sự kích thích mạnh, các bạn trẻ này càng thích thể hiện sự nổi trội của mình. “Hành vi vi phạm pháp luật đã được thực hiện như một thành tích!”- Th.S Phúc kết luận.
Tuyên truyền: Hình thức, sáo mòn!
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) thẳng thắn: Cách thức tuyên truyền mà chúng ta đang áp dụng mang tính hình thức và sáo mòn, hiệu quả thấp. Các khung hình phạt vi phạm giao thông hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Công tác giáo dục hiện nay chưa thể tác động vào ý thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Hiện nay, việc thi lấy bằng lái xe, nhất là xe gắn máy ở nước ta quá dễ dàng. Trong quá trình học thi bằng lái, người học được hướng dẫn các quy định của pháp luật về giao thông và nâng cao ý thức tham gia giao thông một cách sáo mòn.
Ngoài ra, trong các chương trình dạy học phổ thông cũng như ở bậc đại học chưa có môn nào chuyên sâu tuyên truyền ý thức tham gia giao thông nên giới trẻ không thể hình thành văn hóa giao thông ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó cộng với việc chứng kiến những hành vi vi phạm giao thông quá nhiều mà lại không bị xử phạt thích đáng đã làm cho giới trẻ “lờn thuốc”, coi thường việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, việc giáo dục ý thức học sinh, sinh viên trong nhà trường thật sự chưa được quan tâm đúng mức. Các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm của học sinh được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ sức răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục.
NHÓM PVCT
Bài 2: Tìm thuốc đặc trị
Hiểu giới trẻ để hợp tác và đồng hành với họ trong việc bảo vệ pháp luật, thực hiện các hành vi hợp chuẩn là một yêu cầu của xã hội. Nếu giới trẻ thực hiện tích cực và tốt đẹp hành vi giao thông, đó sẽ là những tín hiệu lạc quan cho việc xây dựng một xã hội văn minh. Bên cạnh việc đề xuất những yếu tố khách quan như cải thiện thực trạng hạ tầng giao thông, hạn chế xe gắn máy; coi trọng yếu tố chủ quan như tâm lý lứa tuổi của thanh thiếu niên, định hướng giá trị sống... nhiều chuyên gia còn hiến kế những giải pháp thiết thực góp phần chữa trị bệnh thích đua xe ở giới trẻ.
- Làm mới công tác tuyên truyền
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) cho rằng: Cần tăng cường tuyên truyền giáo dục có trọng điểm và đúng đối tượng. Các hoạt động tuyên truyền cần hướng đến đối tượng thanh thiếu niên, bởi họ là những người thuộc nhóm có nguy cơ vi phạm luật giao thông cao nhất. Trong thanh niên, cần phân loại nhỏ hơn để có giải pháp tập trung đột phá mà không nên tuyên truyền rải đều. Một điều rõ ràng là giới trí thức, công chức văn phòng ít bị dính vào mấy cuộc đua xe thâu đêm suốt sáng, mà thường là công nhân, nông dân, thanh niên lao động tự do, những người có học vấn thấp. Các cuộc truy quét các tay đua sau những đêm “đi bão” cho thấy rất rõ điều này. Cũng cần phải thay đổi tuyên truyền với những hình thức phong phú, đa dạng hơn. Cách thức tuyên truyền như trước nay mang tính hình thức và sáo mòn, hiệu quả thấp, do vậy các cơ quan truyền thông, các ban an toàn giao thông cần tạo ra những cách thức mang tính đột phá, sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa.
Th.s Nguyễn Hải Nguyên (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) đề nghị: Tích cực tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông bằng cách tổ chức các cuộc diễu hành mà đại diện là sinh viên, học sinh; mở các lớp tuyên truyền về an toàn giao thông thường xuyên trong nhà trường; đưa việc giảng dạy luật về giao thông vào giáo trình học chính khóa, qua những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước sẽ giúp sinh viên ghi nhớ và thực hành.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giáo dục như trên chỉ nên thực hiện với quy mô nhỏ, tránh việc tổ chức cho toàn trường như nhiều trường phổ thông hiện đang làm, như vậy sẽ ít hiệu quả. Trong lúc tuyên truyền, cần có hình ảnh minh họa một cách chân thực để học sinh, sinh viên thấy những hình ảnh của tai nạn giao thông, thấy hậu quả của việc không chấp hành luật. Triển lãm hình ảnh về tai nạn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành tốt luật và cập nhật thường xuyên các vụ tai nạn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cập nhật. Việc để cho những người tham gia giao thông chứng kiến tận mắt những hậu quả của việc không chấp hành tốt luật sẽ tác động mạnh đến ý thức, giúp họ tự điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia lưu thông.
“Ngoài tra, nên thường xuyên lập nên những diễn đàn về giao thông giữa giới trẻ với các cơ quan chức năng để trao đổi thông tin và nâng cao ý thức chấp hành luật” - Th.s Nguyễn Hải Nguyên nhấn mạnh.
- Sân chơi nào cho quái xế?
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, cần nghiêm minh hơn nữa các hình thức xử phạt và chế tài vi phạm. Các khung hình phạt vi phạm giao thông hiện nay còn quá nhẹ. Đối với những thanh niên đua xe, cần phải tịch thu xe vĩnh viễn và có thể tiêu hủy (như Trung Quốc đã làm), phạt kinh tế thật nặng và kèm theo là lao động công ích. Việc giam xe vài ngày và phạt tiền ít ỏi như hiện nay làm cho các tay đua lờn luật, coi thường người thi hành công vụ.
Đồng tình với đề nghị này, Th.s Nguyễn Hải Nguyên cho rằng cần tăng mức xử phạt và đa dạng các hình thức xử phạt. Trong đó, việc xử phạt bằng tiền, bắt và giam xe đối với những trường hợp đua xe, lạng lách cần áp dụng triệt để. Cần có sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông và nhà trường để đình chỉ học với sinh viên nhiều lần vi phạm giao thông; với đối tượng thanh niên khác, nếu vi phạm luật giao thông nhiều lần, đưa về địa phương để giải quyết.
Về phía nhà trường, cần có những hình thức răn đe khi sinh viên vi phạm luật bằng cách hạ điểm rèn luyện và phạt đứng ở ngã tư đèn đỏ tham gia giữ gìn trật tự giao thông dưới sự giám sát của cảnh sát giao thông hoặc dân quân tự vệ. Ngoài ra, đối với những thanh niên, sinh viên khi vi phạm luật cần phải có hình phạt bổ sung là bắt họ vào chăm sóc các nạn nhân bị tai nạn giao thông trong các bệnh viện 2, 3 ngày để họ hiểu và thấy tận mắt hậu quả của việc vi phạm giao thông.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hòa (Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân) đề nghị: Xử lý đua xe trái phép, cơ quan chức năng cần tổ chức công khai, ghi hình, chuyển thành băng, đĩa trình chiếu trong trường học, buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, để răn đe, hạn chế hậu quả tương tự. Ngoài ra, ghi hình và trình chiếu các vụ tai nạn, những ca mổ do tai nạn giao thông hay những mảnh đời bất hạnh do di chứng sau tai nạn để mọi người, nhất là thanh niên cùng xem, suy ngẫm... Những trường hợp vi phạm không chỉ nộp phạt là xong, mà còn thông báo đến các gia đình, khu dân cư, trường học, từ đó mới tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, tạo chuyển biến từ suy nghĩ đến hành động.
Trong cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí chỉ đạo các cơ quan chức năng như Sở Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát… nghiên cứu mức phạt hình sự đối với đối tượng cầm đầu tổ chức đua xe trái phép để răn đe. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng hình thức phạt nặng chưa phải là phương thuốc hữu hiệu để đặc trị quái xế. Bởi lẽ, ngay cả tính mạng của bản thân còn bị quái xế xem nhẹ. Do vậy, cần nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên để đưa ra giải pháp phù hợp. Thực tế, quái xế không chỉ là những đối tượng bất hảo hay thanh niên hư hỏng mà có cả học sinh, sinh viên và một số thanh niên con nhà tử tế, thậm chí có cả nữ thanh niên.
Trong số đó, không ít người tìm đến đua xe vì nhu cầu xả stress, muốn thử sức mình bằng cảm giác mạnh. Vì vậy, cần tạo môi trường cho quái xế tham gia đua xe hợp pháp như lập trường đua xe gắn máy, như một môn thể thao cảm giác mạnh với nhiều thể thức để thanh thiếu niên tham gia. Trường đua xe gắn máy mở ra cho nhiều loại xe, từ phân khối nhỏ đến phân khối lớn và không chỉ dành cho vận động viên chuyên nghiệp mà cho tất cả thanh thiên trong xã hội - những người có nhu cầu muốn thử sức mình. Bên cạnh đó, nhà nước, nhà trường, gia đình cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần phối hợp đồng bộ để tạo ra những lực hấp dẫn khác thu hút, hướng giới trẻ vào những hoạt động có ích
VÂN ANH – HỒNG HIỆP