Triệu phú chân đất

Trong khi nhiều thanh niên rời bỏ ruộng đồng để tìm công việc ở nơi khác, tại “đất thép” Củ Chi TPHCM, tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha, vẫn còn nhiều bạn trẻ kiên trì bám trụ ruộng đồng để làm giàu trên mảnh đất quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Triệu phú chân đất

Trong khi nhiều thanh niên rời bỏ ruộng đồng để tìm công việc ở nơi khác, tại “đất thép” Củ Chi TPHCM, tiếp nối truyền thống anh hùng của ông cha, vẫn còn nhiều bạn trẻ kiên trì bám trụ ruộng đồng để làm giàu trên mảnh đất quê hương, xây dựng nông thôn mới.

Cú rẽ trái ngoạn mục

Nhìn trại nuôi bồ câu Ngọc Điền của Nguyễn Ngọc Thức (27 tuổi, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) ít ai ngờ rằng, cách đây vài năm thôi, ông chủ trẻ của trang trại quy mô này chỉ là tài xế cho một công ty ở Bình Dương với mức lương không đủ sống.

Sau khi thu hoạch ớt, anh Lê Thanh Vũ đầu tư, nuôi thêm đàn bò thịt.
Sau khi thu hoạch ớt, anh Lê Thanh Vũ đầu tư, nuôi thêm đàn bò thịt.

Thức cho biết: “Trong một lần lên mạng, tình cờ tìm được thông tin về nuôi bồ câu giống Pháp - loại chim có giá trị kinh tế cao hơn so với chim bồ câu sẻ. Tôi quyết định rẽ trái, bắt tay lập nghiệp từ nuôi bồ câu. Số vốn ít ỏi dành dụm được từ những năm đi làm không đủ, tôi phải vận động gia đình vay thêm tiền để làm”.

Năm 2008, anh bắt đầu từng bước xây dựng chuồng trại, làm lồng nuôi chim. Thức cho biết: “Với mỗi lồng rộng 9 tấc chia làm 4 ngăn là có thể nuôi được 4 cặp chim bố mẹ. Mỗi ngày cho bồ câu ăn 2 lần và 2 ngày thay nước uống để phòng bệnh cho chim. Chim bồ câu con sau khi nở cho ở chung với bố mẹ 1,5 tháng thì tách ra cho ở riêng và nuôi khoảng 1 tháng nữa là có thể xuất chuồng. Nuôi thêm khoảng 4-5 tháng nữa, bồ câu đẻ. Nếu được chăm sóc tốt, cặp bồ câu mẹ có thể cho trứng kéo dài trong 5-6 năm”.

Nói thì đơn giản, bắt tay vào thực tế mới thấy hết khó khăn. “Do chưa có kinh nghiệm, cả 2 lứa trứng bồ câu khi nở ra đều yếu, không đạt chất lượng. Hàng ngày, ngoài chăm sóc bồ câu, tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi học thêm kinh nghiệm. Có người mách nước ở Vũng Tàu có một trang trại bồ câu uy tín, thế là tôi khăn gói lên đường tìm đến học hỏi và mua thêm con giống”, anh Thức kể.

Nguyễn Ngọc Thức và đàn bồ câu giúp anh đổi đời.

Nguyễn Ngọc Thức và đàn bồ câu giúp anh đổi đời.

Sau gần 4 năm, trại bồ câu của anh Thức đã phát triển lên gần 2.000 cặp chim bố mẹ. Trang trại của anh cũng thường xuyên có khách từ các địa phương khác đến tham quan học hỏi, mua con giống… Anh cho biết, không lo đầu ra vì nhu cầu thị trường rất lớn, trung bình mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường khoảng 600 – 700 cặp chim với giá bán khoảng 110.000 đồng/cặp, trừ hết chi phí thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện anh Thức đang tiếp tục cho xây thêm một trại nuôi bồ câu thứ 2 với quy mô 1.500 cặp đến 2.000 cặp.

Vị ngọt từ cây ớt

Cũng vươn lên làm giàu từ tay trắng, Lê Thanh Vũ (sinh năm 1979, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) trở thành “chuyên gia” và đổi đời bằng việc trồng ớt. Khi chúng tôi đến thăm, vườn ớt của anh mới thu hoạch xong. Ông chủ trẻ hồ hởi khoe: “Đợt này, hơn 2ha trồng ớt của gia đình thu về được trên 100 triệu đồng”. Hiện tại, ngoài vườn ớt trên 2ha, anh còn nuôi hơn 10 con bò lấy thịt. Nhìn cơ ngơi hiện tại của anh triệu phú nông dân trẻ, ít người biết rằng, để có được như hôm nay, anh Vũ đã nếm mùi thất bại và có lúc tưởng chừng phải buông xuôi.

Học xong lớp 12, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh không tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Như nhiều người bạn cùng thôn xóm, ngoài phụ giúp gia đình chăm mảnh vườn, khi rảnh rỗi anh làm mướn thêm cho bên ngoài. Anh tâm sự: “Trước đây tôi trồng đủ thứ hoa màu trên 2,3ha đất của gia đình. Hết đậu phộng đến bầu bí… Loay hoay mãi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Mỗi lần nghĩ đến cảnh gia đình, nước mắt cứ ứa ra nhưng tôi vẫn quyết tâm làm lại. Gia đình mình bao đời làm nông, nếu bỏ ruộng vườn thì biết làm gì? Không lẽ lại bỏ quê lên TP làm công nhân?”.

Khoảng năm 2009, quê anh nổi lên phong trào trồng rau sạch, trồng ớt… Thấy nhiều người thành công, anh cũng lân la tìm hiểu và trồng thử. “Sau 3 năm, những trái ớt đã sinh trái “ngọt”. Giá ớt mỗi mùa có trồi sụt nhưng chỉ cần đạt trung bình 15.000-20.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi cao hơn các loại hoa màu khác. Có được ít vốn, tôi lại đầu tư nuôi thêm hơn chục con bò thịt. Cuộc sống giờ cũng dễ thở hơn nhiều”, anh Vũ cho biết.

Dù đã có của ăn của để nhưng anh vẫn giữ nếp lao động cần cù. Ngày nào cũng thế, anh bắt đầu công việc khi mọi người còn đang yên giấc và kết thúc lúc tối mịt. Hết chăm vườn ớt lại chuyển sang cắt cỏ, chăm sóc đàn bò… Trang trại “xanh” của anh Bí thư Đoàn xã Nhuận Đức còn là địa chỉ tin cậy của nhiều thanh niên địa phương. Người đến hỏi kinh nghiệm chăm bò, trồng ớt, người hỏi ý kiến vay vốn, người nhờ hỗ trợ phân bón...

Thực trạng thanh niên tại những vùng nông thôn đi làm ăn xa không đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi chính ở quê hương mình diện tích đất nông nghiệp lại chưa được khai thác hiệu quả là trăn trở của người trẻ ở nông thôn hiện nay. Sự thành công của những “triệu phú chân đất” này không chỉ giúp giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương, mà còn động viên, tạo động lực để các bạn thanh niên nông thôn phấn đấu lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Chị Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Huyện đoàn Củ Chi (TPHCM)


SƠN TRÀ

Tin cùng chuyên mục