Trước tình trạng vật giá leo thang, đặc biệt là lương thực và nhiên liệu, chính phủ nhiều nước châu Á đã áp dụng những biện pháp trợ giá cho người nghèo. Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách này có nguy cơ làm lạm phát trở nên trầm trọng thêm.
Hậu quả kích thích tiêu dùng
Ngoài chương trình trợ giá vốn đã kéo dài của Ấn Độ dành cho các mặt hàng dầu diesel và dầu ăn, sắp tới, New Dehli có thể thực hiện trợ giá lương thực-thực phẩm. Theo các chuyên gia chính sách lương thực, Ấn Độ có thể sẽ quyết liệt tăng cường hỗ trợ lương thực cho người nghèo, nâng tổng chi phí trợ cấp hàng năm lên khoảng 15 - 30 tỷ USD.
Tại Singapore, chính phủ đang đề xuất giảm thuế, trợ cấp tiền mặt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng các khoản phúc lợi khác sau khi lạm phát tăng đến 5,5% trong tháng 1-2011. Trước đó, trong bản báo cáo ngân sách, Bộ Tài chính Singapore đã công bố kế hoạch 5,2 tỷ USD, trong đó có cả việc duy trì giá hàng hóa thấp và cắt giảm thuế nhằm làm dịu bớt ảnh hưởng tăng giá.
Chính phủ Trung Quốc ngoài việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền nóng chảy vào nền kinh tế để ngăn chặn đầu cơ, còn áp dụng các biện pháp khác như tăng cường kiểm soát để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm, khí đốt và các mặt hàng khác cho các gia đình có thu nhập thấp.
Nhiều nền kinh tế châu Á đã kháng cự tốt và nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ và luồng vốn đầu tư của các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù chính phủ các nước châu Á tỏ ra hào phóng quay sang sử dụng những gói trợ cấp mới để giảm nhẹ ảnh hưởng của giá cả, nhưng về dài hạn, những bước đi như thế có thể sẽ bóp méo nền kinh tế và đẩy lạm phát lên cao nữa do gián tiếp khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn.
Bài học từ quá khứ
Bản thân việc kết thúc các chương trình trợ giá và kiểm soát giá cả có thể gây ra bất ổn xã hội. Đối với nhà kinh tế Wellian Wiranto, thuộc Ngân hàng HSBC, các biện pháp trợ giá chỉ có hiệu quả chừng nào khi vẫn còn được áp dụng. Thế nhưng một khi chính phủ không còn khả năng tài chính nữa thì giống như đê bị vỡ, các biến động xã hội sẽ rất dữ dội.
Ông Ilian Mihov, giáo sư kinh tế thuộc trường đào tạo kinh doanh INSEAD ở Singapore, nhận định các chính phủ châu Á chỉ đẩy lùi chứ không giải quyết được vấn đề. Dù Singapore đã triển khai chương trình trợ cấp cho người dân 5,2 tỷ USD thông qua chương trình giảm thuế và hoàn thuế để giảm nhiệt các tác động do giá cả tăng, nhưng chỉ số giá tiêu dùng ở quốc đảo này vẫn tăng tới 5,5%, vượt xa so với dự báo.
Tại Indonesia, vào cuối thập niên 90, các động thái cắt giảm trợ giá, thả nổi giá cả đã dẫn tới những cuộc biểu tình khiến chính phủ của Tổng thống Suharto bị lật đổ. Tại Myanmar vào năm 2007, những động thái tương tự cũng dẫn tới những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ của người dân. Tại Bolivia, Tổng thống Evo Morales gần đây đã phải từ bỏ ý định kết thúc chương trình trợ giá xăng dầu trước nguy cơ đình công toàn quốc trong ngành giao thông vận tải.
Các chuyên gia IMF cho rằng, trợ giá hoặc tung thực phẩm dự trữ ra thị trường để kiểm soát vật giá như cách làm của Trung Quốc hồi quý 3 năm ngoái cũng không làm thay đổi xu thế gia tăng lạm phát. Chính phủ các nước châu Á nên có những biện pháp dài hơi hơn để đối phó với lạm phát. Ví như cách làm của Brazil là hiệu quả hơn trong việc đối phó với lạm phát trong dài hạn.
Trong những năm gần đây, chính phủ nước này đã chi nhiều tỷ USD để cho vay trợ cấp đối với các nhà sản xuất thịt bò và các loại thực phẩm khác nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Theo nhà kinh tế Frederic Neumann thuộc Ngân hàng HSBC ở Hồng Công: “Trợ giá và kiểm soát giá là phản tác dụng trong dài hạn. Đây được xem là những biện pháp cuối cùng mà các chính phủ nên áp dụng khi giá cả tăng”.
HẠNH CHI