Trở lại Chiến khu Đ

Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chọn tổ chức chương trình “Xuân chiến sĩ” năm 2023. Trước ngày “Xuân chiến sĩ” khai hội, chúng tôi trở về Chiến khu Đ, một địa chỉ đỏ trong lòng dân, để ghi nhận đổi thay nơi đây.
Chỉ huy Cục Chính trị Quân khu 7 cùng lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khảo sát chuẩn bị mở tuyến đường ấp 4, xã Mã Đà. Ảnh: GIA TÚ
Chỉ huy Cục Chính trị Quân khu 7 cùng lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khảo sát chuẩn bị mở tuyến đường ấp 4, xã Mã Đà. Ảnh: GIA TÚ

Chuyện kể dưới tán rừng

Từ TPHCM vượt hơn 80km về phía Bắc theo quốc lộ 1A, chúng tôi đến với Khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam bộ - “Chiến khu Đ”, tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Mã Đà nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Chiến khu ngày xưa giờ đây bao phủ một màu xanh của núi rừng, cây trái.

Tiếp chúng tôi, Trung tá Trần Văn Chương, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Cửu, cho biết, mỗi tấc đất nơi đây chứa đựng xương máu bao lớp người đi trước. Chiến khu Đ ra đời từ năm 1946, là tên gọi tắt chỉ Mật khu căn cứ của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại khu rừng Mã Đà, nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, ngày 10-10-1961 diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đã chủ trì hội nghị để xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cơ quan tham mưu, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giới nghiên cứu quân sự Mỹ từng đánh giá: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.

Chúng tôi đến khu Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà để thăm, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã nằm lại nơi này. Giữa màu xanh cây lá, làn khói hương mờ đục cứ lan tỏa, tràn ra xung quanh. “Người dân địa phương vẫn gọi nơi đây là nghĩa trang không bia mộ, bởi có 70 phần mộ liệt sĩ nhưng chỉ 5 ngôi mộ có tên. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi đây đang chứa hàng ngàn hài cốt các liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, Trung tá Trần Văn Chương chia sẻ.

Năm 1962, sau khi cơ quan Trung ương Cục miền Nam chuyển lên Tây Ninh thì căn cứ Mã Đà là nơi đứng chân của Quân y viện K72 (Bệnh xá K72 - Bệnh viện dã chiến của Trung ương Cục miền Nam) và quân chủ lực miền, trong đó có Sư đoàn 9. Chỉ tính riêng Sư đoàn 9, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có khoảng 12 vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong khu vực khoảng 2ha của rừng Mã Đà.

Mã Đà đón ngày hội xuân

Chương trình “Xuân chiến sĩ” được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với các tỉnh, thành trên địa bàn quân khu tổ chức liên tục từ năm 2016. Chương trình mang mùa xuân đến sớm với chiến sĩ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, căn cứ cách mạng. Tiếp theo sau Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Bù Đốp (tỉnh Bình Phước)..., Quân khu 7 chọn Chiến khu Đ - một địa chỉ đỏ - để tổ chức chương trình “Xuân chiến sĩ” năm 2023.

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, cho biết, chương trình “Xuân chiến sĩ” năm 2023 có quy mô lớn, với nhiều hoạt động thiết thực như dâng hương tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam; khánh thành công trình đường dân sinh tại ấp 4 xã Mã Đà; chương trình Tết quân  dân và “Chợ Xuân 0 đồng”; thăm và tặng quà cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; trao quà chương trình “Xuân chiến sĩ” đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. 

Trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho chương trình “Xuân chiến sĩ”, đồng chí Nguyễn Văn Thuộc, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu, thông tin: “Bước ra khỏi chiến tranh, Mã Đà nhiều năm liền gắn với tên gọi “xã 4 không”, vì nhiều hộ dân là người nhập cư nghèo, không đất đai, không trường học. Nhưng nay, vùng đất chiến khu xưa đã hoàn toàn đổi thay”.

Những người dân vùng chiến khu xưa không chịu đói nghèo, lạc hậu đã quyết chí vươn lên. Cùng cán bộ địa phương, chúng tôi có mặt tại gia đình ông Huỳnh Văn Thanh ở tổ 15, ấp 4, là hộ gia đình làm kinh tế giỏi của địa phương. Ông Thanh chia sẻ, từ khoản tiền dành dụm, gia đình mua được 2ha đất. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lúc đầu gia đình trồng đậu, bắp và khi đã có vốn thì chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng xoài. Cùng với cây xoài, ông Thanh còn đầu tư nuôi ba ba thương phẩm. Vườn xoài gần 2ha và trang trại ba ba rộng cả ngàn mét vuông đã đem lại thu nhập cho gia đình ông 500-600 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, cho biết thêm, hiện nay xã có hơn 1.000ha trồng xoài, hơn 50 hộ nuôi ba ba với số lượng hàng chục ngàn con. Ngoài 2 cây, con chủ lực là xoài và ba ba, người dân còn đầu tư phát triển mô hình mới, như nuôi cá lồng bè - chủ yếu nuôi cá lăng - mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Đến tháng 9-2022, xã Mã Đà đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ xã Mã Đà đề ra. Người dân trên vùng chiến khu xưa đã cơ bản thoát cảnh nghèo, nhà nhà quyết tâm vươn lên giàu có”, Chủ tịch UBND xã Mã Đà Trần Đức Sơn chia sẻ.

Đồng hành cùng chương trình “Xuân chiến sĩ” năm 2023, Bộ Tư lệnh TPHCM dự kiến dành 300 phần quà và thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ đóng quân làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến dành 400 phần quà và đồng hành cùng chương trình thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các huyện đảo.

Tin cùng chuyên mục