Trong giá lạnh cuối năm, những món quà từ miền xuôi như góp thêm hơi ấm nơi miền biên ải.
“Mùa nào thức ấy”
Trong chuyến lên Mường Ải (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vào tháng 9-2012, những người thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP phải đi bằng xe gắn máy bởi nhiều đoạn đường tắc do sạt lở. Tháng 12, cứ nghĩ mùa khô việc đi lại sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng không hẳn thế, bởi nói theo những người lính lái xe thì “mùa nào thức ấy” và “thức nào” cũng có “cái khó nhai” đặc trưng của miền biên giới. Khá hơn lần trước là được ngồi xe hơi nhưng vẫn bị nhồi, xóc, lắc lư kèm theo những màn bụi nghẹt thở, vất vả chẳng kém mùa trước.
Con đường mùa khô lộ ra những ổ voi, những rãnh sâu do mùa mưa để lại, một chút sơ suất hay yếu tay là xe mắc gầm, bánh xe bên thì xuống rãnh, bên bị kê bổng lên. Nhiều đoạn, chúng tôi phải xuống đẩy xe. Trên mặt đường, lớp bụi dày cả tấc bốc lên che khuất tầm nhìn, xe đang lao đi bất chợt nảy bật, đầu người đụng trần xe đau ê ẩm. Và vì vậy, cũng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ để vào tới Mường Ải.
Có người nói đùa “đi xe máy có khi nhanh hơn” và đúng thế thật, dọc đường đi xe chúng tôi không thể vượt lên những chiếc xe gắn máy của người dân cùng chiều. Bởi vậy, xe máy được xem là phương tiện hiệu quả nhất để có thể vào ra nơi này. Tuy nhiên, những sĩ quan biên phòng chở chúng tôi trong chuyến đi trước cho biết, với địa hình của con đường này thì tuổi thọ một chiếc xe gắn máy không quá 2 năm.
Chuyến đi trước, sau khi tiếp nhận thiết bị, đồ dùng sinh hoạt cho các em học sinh nội trú, thầy Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Nậm Típ, cùng nhiều thầy cô có mặt đã tha thiết đề nghị với người đại diện chương trình hỗ trợ thêm một máy phát điện cho trường để phục vụ sinh hoạt mỗi dịp lễ, chào cờ và nhất là để buổi tối thầy trò có thể soạn bài, học bài.
Trở về xuôi mang theo ước mơ của thầy trò và không quên hình ảnh những chiến sĩ biên phòng gò lưng với chiếc xe gắn máy bên sườn dốc, những người thực hiện chương trình Nghĩa tình Trường Sơn lại tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ như thành thông lệ sau mỗi chuyến đi. Câu chuyện được đưa ra với những mạnh thường quân đã ít nhiều đồng hành cùng chương trình bấy lâu và nhanh chóng nhận được sự phản hồi.
Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, một đơn vị đã hơn 10 năm hoạt động trong ngành sản xuất, cung ứng máy phát điện đã ủng hộ một máy phát điện, còn Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Thắng tại Nghệ An ủng hộ một xe gắn máy. “Của một đồng, công một nén”, trong cái lạnh cuối năm, đích thân Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai đã cùng đoàn đến Nậm Típ để trao quà tài trợ.
Lời hứa nghĩa tình...
Hôm chúng tôi đến là thứ bảy, ngày các em học sinh được nghỉ, theo thường lệ các em sẽ về nhà lấy gạo cho tuần học tiếp theo. Nhưng biết chúng tôi tới, phần lớn học sinh đã ở lại, các em đứng đầy sân khu nhà nội trú, hai hàng thẳng với trang phục chỉnh tề vỗ tay chào đoàn, nụ cười hồn nhiên, ánh mắt đầy háo hức như đón những người thân đi xa về với món quà các em mong ước, khác hẳn với vẻ rụt rè mà chúng tôi cảm nhận trong lần chúng tôi đến trước đây.
Thầy Nguyễn Xuân Trường dẫn đầu các thầy cô giáo nắm chặt tay từng thành viên trong đoàn, có lẽ các thầy cô, các em học sinh không cảm kích gì hơn bằng việc những người khách tận miền Nam lại vượt giá lạnh đường xa vào tận đây đúng như lời hứa ngày nào của đại diện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Còn với chúng tôi, đó là những lời hứa nghĩa tình. Các thầy nhanh chóng đón những món quà từ trên xe và lắp ráp chạy thử máy phát điện ngay với sự hướng dẫn của chính Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai.
Những nghi lễ thông thường nhanh chóng diễn ra trong niềm vui của cả người nhận và người cho. Trong chuyến đi này, thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng, Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Thắng đã tặng 1 xe gắn máy trị giá 20 triệu đồng cho cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Típ. Ngoài chiếc máy phát điện 5KW trị giá 22 triệu đồng tặng cho thầy trò Trường Phổ thông DTBT – THCS Nậm Típ, Công ty cổ phần Sáng Ban Mai còn tặng các em học sinh 1.200 cuốn vở.
Giá trị vật chất của những món quà có thể không lớn nhưng có lẽ “của cho không bằng cách cho” và như lời ông Trần Thành Trọng - Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai trong câu chuyện với chúng tôi thì đó còn là trách nhiệm của một doanh nghiệp, một đơn vị làm kinh tế. Bởi theo ông, bên cạnh những con số lời lỗ thông thường của những người làm kinh tế thì việc doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng mới là giá trị thực. Với riêng ông, có đến tận nơi đây mới thấy được giá trị của những món quà được đóng góp bằng công sức của mỗi cán bộ, nhân viên công ty đã được đến đúng chỗ, trao đúng người.
Còn theo Đại tá Nguyễn Việt Hà - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đó là những món quà thiết thực nhất với các thầy cô và học trò nơi đây cũng như với cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm gìn giữ biên cương. Đó là sự động viên rất lớn cho khát vọng học tập của các học trò đã hàng ngày phải vượt qua bao khó khăn bởi sự khắc nghiệt nơi biên ải.
Những tâm sự trên làm chúng tôi nhớ đến câu nói của một cán bộ dưới xuôi trong ngày khởi công những căn nhà tình nghĩa từ chương trình. “Niềm vui chia nhỏ thì được niềm vui lớn, khó khăn chia nhỏ sẽ bớt khó khăn”. Đó là điều mà những người làm Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tâm niệm, theo đuổi.
PHÚ KHUYNH