Trở thành diễn viên điện ảnh - Khó và dễ!

Quan niệm nghề diễn viên cũng như bất cứ ngành nghề nào khác phần lớn đều phải qua đào tạo từ trường lớp xem ra giờ đây đã lỗi thời. Đa số diễn viên điện ảnh, truyền hình hiện nay xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau, không ít trong số đó coi đóng phim như một công việc nhằm đánh bóng tên tuổi. Sự lộn xộn này đã khiến những diễn viên chuyên nghiệp bị ảnh hưởng và chán nản.
Trở thành diễn viên điện ảnh - Khó và dễ!

Quan niệm nghề diễn viên cũng như bất cứ ngành nghề nào khác phần lớn đều phải qua đào tạo từ trường lớp xem ra giờ đây đã lỗi thời. Đa số diễn viên điện ảnh, truyền hình hiện nay xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau, không ít trong số đó coi đóng phim như một công việc nhằm đánh bóng tên tuổi. Sự lộn xộn này đã khiến những diễn viên chuyên nghiệp bị ảnh hưởng và chán nản.

  • Con đường gian truân

Mỗi năm, đầu vào của khoa diễn viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM khoảng 100 sinh viên. Sau mấy năm học, con số tốt nghiệp ra trường còn lại khoảng 15-20 người. Số còn lại hoặc nợ môn, hoặc rơi rớt trong quá trình học. Trong 15-20 sinh viên ra trường chưa tới 10 người làm đúng nghề diễn viên. Như vậy, so với mặt bằng chung hiện nay, phim truyền hình nở rộ, số lượng đầu phim dồi dào, hàng loạt những công ty sản xuất phim ra đời, thì con số ít ỏi, các diễn viên đã qua đào tạo chắc không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, không ít diễn viên trẻ “kêu cứu” vì những tiêu cực trong công nghệ làm phim truyền hình. Nạn phân biệt đối xử, chèn ép diễn viên, lạm dụng tình dục đang ngày một gia tăng. Điều đáng nói, vì vẫn muốn làm nghề, vì phải sống bằng nghề nên không một ai dám đứng lên tố cáo. Đa phần cắn răng chịu đựng, một số thỏa hiệp để có phim, một số không hợp tác chấp nhận ngồi nhà chờ đợi cơ hội…

Một nữ diễn viên trẻ kể, mới đây cô đã bị từ chối không được tham gia một bộ phim, mặc dù khi viết kịch bản này, tác giả kịch bản đã nhắm đến cô, thậm chí, tác giả ghi rõ nên mời cô vào vai này bên cạnh bảng phân vai nhân vật. Chỉ có điều vị trưởng phòng khai thác phim truyện của một đài truyền hình lớn đã bác ngay từ đầu: “Đừng mời con nhỏ này, nó chảnh lắm!”.

Nữ diễn viên này bộc bạch: “Lý do sâu xa là em đã từ chối ngủ với ông ta. Ông ấy khen em đóng tốt và nói có một phim rất thích hợp với em nhưng yêu cầu “tối nay em qua nhà anh ngủ đi mình sẽ bàn kỹ hơn…”. Tại một buổi tiệc khác, em chứng kiến cảnh một nữ diễn viên kéo đầu ông ta vào ngực mình vì ông ta vừa mới nói với một đạo diễn nên mời cô này vào vai chính trong bộ phim sắp quay…”.

Đạo diễn và dàn diễn viên trong phim “Những nụ hôn rực rỡ”. Ảnh: N. CHƯƠNG

Đạo diễn và dàn diễn viên trong phim “Những nụ hôn rực rỡ”. Ảnh: N. CHƯƠNG

Không ít diễn viên trẻ để được biết đến, để có thể chạm vào những vai chính trong các bộ phim, tiếp tục đến với những cuộc thi tìm kiếm diễn viên triển vọng, chấp nhận tranh tài cùng những gương mặt thừa nhan sắc thiếu kiến thức. Hầu hết tin rằng với khả năng, chắc chắn mình sẽ dành những giải thưởng lớn. Một cuộc thi diễn viên triển vọng thì khả năng diễn xuất phải được đặt lên hàng đầu! Thế nhưng ngược lại. Những cuộc dàn xếp kết quả, những sự phi lý, bất công diễn ra công khai, khiến cho họ một lần nữa bất mãn.

“Đã không ít lần em muốn bỏ nghề” - một nữ diễn viên trẻ tâm sự, “tôi cũng vậy đó” - một nữ diễn viên có thâm niên chục năm trong nghề với không ít bầm dập, lên tiếng… Họ chưa bỏ được có lẽ là do cái nghiệp chưa dứt!

  • Thời của diễn viên tay ngang
Thi tiểu phẩm điện ảnh để trở thành diễn viên.

Thi tiểu phẩm điện ảnh để trở thành diễn viên.

Có không ít người coi đóng phim như một công việc nhằm đánh bóng tên tuổi, phục vụ cho mục đích cá nhân. Đó là không ít diễn viên tay ngang xuất thân từ người mẫu, ca sĩ… “Họ đóng phim vì đó là một cách để hình ảnh xuất hiện liên tục (phim dài hàng chục tập), một cách quảng cáo bản thân với chi phí thấp.

Trung bình giá cát-sê cho một bộ phim khoảng 50 triệu đồng (tùy số lượng phân cảnh, số tập phim), nhưng họ chỉ lấy với giá 15 triệu đồng, thậm chí có người còn không lấy tiền cát-sê. Có người sau khi nhận cát-sê dẫn đoàn phim đi ăn chơi cho hết số tiền. Thử hỏi, với những người sống bằng nghề như chúng tôi làm sao cạnh tranh nổi” - diễn viên H.B cho biết.

Giá cát-sê càng ngày càng thấp xuất phát từ những nguyên nhân trên. Nếu diễn viên chuyên nghiệp không đồng ý, đoàn phim lập tức thay bằng một trong những diễn viên tay ngang. Hợp vai hay không và chất lượng phim ra sao không cần biết.

“Cách đây 5 năm khi mới ra trường, giá cát-sê của em là 250.000 đồng/phân đoạn, cùng với thời gian, giá cát-sê của em tăng lên 350.000 đồng/phân đoạn. Tuy nhiên, hiện nay em đã bị quay lại cái mốc xuất phát. Em đã phải từ chối một số phim vì giá cát-sê giảm tới mức không thể chấp nhận. Em thà ngồi nhà còn hơn, nếu mình chịu giá thấp nữa là mình sẽ trượt dài theo nó.

Không chỉ có thế, các đoàn phim luôn tìm mọi cách để ép giá diễn viên. Nếu trước đây một phân cảnh bao gồm một bối cảnh, không gian, thời gian thì nay có khi 3-4 bối cảnh được gộp làm một. Ví dụ bối cảnh trong phòng ngủ, phòng khách, bối cảnh ngoài sân… được gộp làm một phân đoạn..” - diễn viên T. bức xúc. Kết quả, diễn viên chỉ nhận được 1/3 cát-sê so với thực tế họ phải được nhận. Một ví dụ đơn giản, trung bình một tập phim giá 150 triệu đồng, tuy nhiên gần đây có phim chỉ tốn 110 triệu đồng/tập, cá biệt có đoàn phim nhận làm phim chỉ với giá 70 triệu đồng/tập.

Để có thể làm phim với một giá “bèo” như thế, mọi chi phí phải được giảm tối đa. Chọn những diễn viên không cần cát-sê, những diễn viên cát-sê thấp đã có thể giảm đi một khoản chi phí đáng kể. Do vậy không nên ngạc nhiên khi thấy “mốt” ca sĩ, người mẫu đóng phim trở nên phổ biến như hiện nay. Vì thế, những bộ phim nhạt nhẽo, thiếu xúc cảm xuất hiện ngày càng nhiều. Một cô diễn viên tay ngang nọ được mời vào vai một nữ phóng viên thông minh, xinh đẹp và đầy cá tính. Cô đã khiến cho một người đàn ông có gia đình phải xao động. Nhân vật cô phóng viên được mô tả với hoàn cảnh khiến người xem có thể đồng cảm. Thế nhưng không hiểu sao diễn viên này lại biến nhân vật trở thành một kẻ lẳng lơ, mồi chài chồng người khác!

Diễn viên chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh to lớn của điện ảnh, tuy nhiên trước không ít những tiêu cực trong hoạt động nghệ thuật này, Hội Điện ảnh thành phố, Hội Điện ảnh Việt Nam lại chưa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người nghệ sĩ. Thậm chí, ngay các thành viên trong hội cũng còn dính dáng tới những vụ tiêu cực về các cuộc thi, đào tạo diễn viên đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua…

Có lẽ với hoàn cảnh này, diễn viên phải tự cứu mình trước!

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục