A Bia là tên người dân địa phương đặt cho một quả đồi nhỏ nằm trên dãy Trường Sơn thuộc địa phận xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế, cách trung tâm thị trấn A Lưới khoảng 5km theo hướng Tây Bắc. Ngọn đồi này còn có nhiều tên gọi khác: đồi Thịt Băm (Hamburger hill), cao điểm 937… theo cách gọi của người Mỹ. Hiện đồi A Bia là di tích lịch sử cấp quốc gia trên dãy Trường Sơn huyền thoại, thu hút nhiều du khách...
Chấn động trời Tây
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới chịu nhiều mưa bom bão đạn, là vùng trắng bởi chất độc da cam. Đây cũng là mảnh đất ghi dấu những trận đánh oanh liệt và sự hy sinh anh dũng của quân dân ta. Đặc biệt, tại đồi A Bia, nơi được mệnh danh là đồi Thịt Băm.
Tại đây, tháng 5-1969, sau thất bại trong cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong đó cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới. Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân, gồm 13 tiểu đoàn (trong đó có 8 tiểu đoàn Mỹ, 5 tiểu đoàn ngụy) kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ, hòng đẩy quân ta ra sát biên giới Việt-Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược của ta.
Biết trước âm mưu của địch, với quyết tâm tiêu diệt quân thù ngay từ đầu, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 đã phối hợp nhịp nhàng cùng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích miền Tây Thừa Thiên-Huế, chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch.
Tại đây quân ta đã tiêu diệt 1.500 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tướng hai sao Mô-đi-sơn bị thương nặng. Chiến thắng A Bia đã làm kinh hoàng, chấn động dư luận nước Mỹ thời bấy giờ. Đồi A Bia, như báo chí phương Tây phản ánh, là tử địa, là nỗi khiếp sợ của binh lính Mỹ.
Nữ anh hùng Kan Lịch cho biết: “Thời đó ở đây bom đạn ác liệt lắm. Đồi A Bia bị quân giặc đổ bộ bằng máy bay chiếm đóng. Những bản làng của bà con dân tộc mình phải dạt sang tận Lào. Sau này ta giành thắng lợi, đến năm 1973 người dân mới về lại chỗ cũ”. Theo bà Kan Lịch, sở dĩ đồi A Bia còn có tên gọi đồi “Thịt Băm” hoặc đồi “Bi Ai”, bởi nơi đây, trong một loạt trận đánh khốc liệt năm xưa, lính Mỹ chết nhiều vô số kể.
Sáng danh anh hùng
Già làng Cu Xiết, nguyên Xã đội trưởng xã Hồng Bắc cho biết: Giữa năm 1969, địch dùng đến 13 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, trang bị xe tăng, máy bay hòng san bằng ngọn đồi, cắt đứt đường vận chuyển của Đoàn 559. Nhưng dù có vũ khí hiện đại, địch vẫn thảm bại.
Theo già làng Cu Xiết, bà con đồng bào dân tộc nơi đây mãi mãi khắc ghi gương người anh hùng Cu Lói. Từ nhỏ Cu Lói đã mồ côi cha mẹ và lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bà con làng bản. Năm 18 tuổi, Cu Lói vào du kích tham gia đánh giặc lập được nhiều chiến công.
Trong lần giao tranh ác liệt trên dãy đồi A Bia năm 1969, Cu Lói đã cùng đồng đội dũng cảm đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, diệt được nhiều lính Mỹ. Và trong trận đánh cuối cùng, cả đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng, Cu Lói nhận nhiệm vụ làm nút chặn cuối cùng, vừa đánh lạc hướng vừa ngăn chặn sự truy sát của địch. Đồng đội rút lui an toàn, nhưng Cu Lói hy sinh.
Ngày nay đồi A Bia trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng trên dãy Trường Sơn. Sau mấy chục năm thanh bình, ngọn đồi đã xanh trở lại bởi những cánh rừng, những nương lúa… của bà con dân bản. Từ năm 2007, một con đường bê tông dài 3,5km, nối từ trung tâm xã Nhâm đến đồi A Bi đã được xây dựng nhằm phục vụ khách du lịch chinh phục đồi A Bia.
Tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới đã đầu tư một tuyến đường khá rộng dẫn đến chân đồi. Từ đây, mọi người có thể chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567m để lên đến đỉnh. Tuy nhiên, để thưởng ngoạn cảnh núi rừng hoang sơ, rất nhiều khách du lịch chọn đường mòn từ xã Nhâm để chinh phục đỉnh A Bia. Bởi đi theo con đường này, du khách được xuyên rừng, lội suối cùng ngắm cảnh rừng xanh nên rất thú vị. Hiện nay trên khu vực đỉnh đồi, địa điểm sân bay trực thăng A Bia cũ đã được dựng một nhà bia tưởng niệm.
Theo ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, đồi A Bia nay đã trở thành di tích lịch sử thu hút nhiều khách du lịch hoài niệm về chiến trường xưa, cũng như những người trẻ muốn chinh phục và tìm hiểu về quá khứ hào hùng của cha ông.
PHAN LÊ