Trở về đất mẹ

“Biểu tượng” về tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản khi chấp nhận giữ vững khí tiết, bảo vệ bí mật tình báo và chịu đựng sự tra tấn tàn bạo của ông trước kẻ thù với 6 lần bị cưa chân không thuốc mê… đã trở thành huyền thoại.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong một lần thăm hỏi Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong một lần thăm hỏi Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương

Vậy nhưng cuộc đời huyền thoại của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương không chỉ thể hiện qua các danh hiệu mà còn là các câu chuyện ẩn khuất trong đời riêng, những câu chuyện chưa bao giờ được đề cập.

Bị du kích bắt

Ngôi nhà số 337/6 đường Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) đón nhận cơn mưa tầm tã trưa 14-8, cũng là ngày hàng trăm đoàn người đến viếng ông trong thầm lặng như lúc sinh thời, ông tâm sự: “Tình báo là một công tác thầm lặng. Bên cạnh thành tích, chiến công được vinh danh,… là những hy sinh âm thầm và cả những day dứt, thậm chí bi kịch của đời riêng không thể sẻ chia”. Nhiều cán bộ tình báo năm xưa nay tuổi đã cao, đi không vững, được con cháu dìu đến thắp hương ông; rồi từng đoàn người quân phục chỉnh tề, lớp “hậu bối”, đến viếng ông.

Thời kỳ công tác ở cụm A36, Nguyễn Văn Thương sống với cái vỏ bọc mang tên “Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA”. Thời điểm sau Mậu Thân, đường dây giao thông của A36 có khi phải qua vùng xôi đậu, vùng bán hợp pháp, hợp pháp… nên Thương phải thay đổi hình dạng rất nhiều lần từ một anh lính cho đến tay lái buôn, khi thì đi xe đò, lúc lại cuốc bộ. Ông kể, hôm ấy, đi ngang vùng xôi đậu Đồng Xoài, ông tìm cách xây dựng “hộp thư chết” mới nên loay hoay đi ra chợ. Tại cái chợ trời xôi đậu ấy, ta và địch trà trộn trong dân và biến hóa thành nhiều đối tượng với nhiều mục đích khác nhau. Ngay cả những mụ vợ của lính ngụy cũng thường chuyển (đồ ăn cắp) được như đạn, vải, thuốc men ra khu vực này buôn bán. Du kích trong vùng giải phóng cũng tạt ngang mua nhiều thứ thiết yếu để dùng. Rồi mật vụ, chỉ điểm cũng có mặt để dò tìm Việt Cộng và báo cho máy bay trực thăng đổ bộ xuống bắt người. Cũng không hiếm trinh sát của ta trà trộn để xử lý bọn thám báo. Đang lơ ngơ, ông Thương bị một tốp du kích cải trang kè súng giải đi. Đến quãng vắng, tốp du kích quật ngã ông và lục soát. Một người la lên: “Nghi đâu trúng phóc đó. Nó là thám báo của CIA nè, đại úy Ngọc nè, hết chối nha con”. Rồi tốp du kích giải ông đi sâu vào vùng giải phóng, cột “tên thám báo” vào gốc cây mít, phía trước mặt bày đầy đủ “tang chứng vật chứng” gồm thẻ căn cước, thẻ đặc phái viên CIA, hình Ngô tổng thống, tiền USD và cả một lá cờ ba que nho nhỏ. 

Cuộc đời tình báo khiến ông có cái đầu lạnh và thần kinh cứng hơn cả thép. Thế nhưng khi tưởng tượng ra cảnh mình có thể bị xử bắn bởi… cách mạng, ông Thương cắn môi bật máu. Nếu phơi ra bí mật bản thân, mũi giao thông A36 sẽ có nguy cơ bị lộ. Còn như cố giữ bí mật theo đúng nguyên tắc tình báo, có thể mình sẽ ôm bí mật ấy xuống lòng đất! Trong giây phút đó, Thương chợt nhớ đến vị chỉ huy trinh sát chuyên đánh thám báo trong vùng, cổ họng Thương bật lên: “Tư Minh, cho tôi gặp ổng, tôi sẽ khai hết”. Tiếng người du kích: “Đúng là CIA, nó biết tất cả. May mà bắt được mày, không thì tụi tao ăn bom tọa độ do mày chỉ điểm rồi”. 

Nhưng rồi ý thức trách nhiệm của tốp du kích vẫn thắng. Họ giải Thương đến một tiệm may trong ngõ vắng, gõ cửa. Cửa mở ra, anh du kích phấn chấn: “Báo cáo anh Tư, trạm tụi này bắt được tên đại úy Ngọc của CIA, hắn cứ xin gặp anh Tư…”. Người đàn ông có tên Tư Minh soi ngọn đèn dầu nhìn kỹ mặt “đại úy Ngọc”, xong nói: “Ờ, tôi biết mặt thằng này, thôi cởi trói…”. Quay sang ông Thương, ông Tư Minh nói nhỏ: “May mà mày khôn khéo để tụi nó dong về, không thì tai hại biết cỡ nào!”. Đấy là một trong nhiều lần Thương “suýt bị quân giải phóng tử hình” mà ông từng kể với người viết, lúc sinh thời. 

Đám cưới ngụy trang bằng đám giỗ!

 Qua nhiều lần đi công tác ghé ngang Phú Hòa Đông (Củ Chi), ông Thương hay ghé xin nước uống và cơm ở nhà má Hai Kiều (một người vợ liệt sĩ) và để ý thương Hai Em, con gái má Hai Kiều. Má Hai Kiều cũng chỉ biết Thương làm cách mạng, chứ không rõ Thương làm nhiệm vụ gì. Còn Thương do nhiệm vụ bí mật và do… muốn cưới Hai Em, nên có lần đã theo dõi và biết Hai Em đang làm giao thông tình báo hệ địch vận. 

Sau khi trình bày lý lịch của Hai Em xong cho “đàng trai”, thì gặp trở ngại phía “đàng gái”, lý do: “Chúng tôi tốn biết bao công sức mới gầy dựng được một giao thông viên, nay gả cho phía các đồng chí rồi sẽ mất người”. Phía “đàng trai” cam đoan: “Cưới xong sẽ không rút người của địch vận”. Tuy nhiên phía “đàng gái” sau một thời gian xem xét, lại nêu lý do mới rất chí lý: “Hai Em là gái chưa chồng. Nếu tổ chức cưới xin, bọn tề ấp điều tra gốc tích làm ảnh hưởng đến công việc phía “đàng trai” thì sao?”… 

Về chuyện hôn nhân, ông Nguyễn Văn Thương bày tỏ: “Cấp ủy của tôi chưa biết phải giải quyết sao cho vẹn tròn. Vì nếu động viên tôi từ bỏ Hai Em, tôi cũng phải chấp hành, nhưng như thế thì quá tiêu cực. Chả lẽ cứ là giao thông viên, tình báo viên là không được cưới? Nhưng khó cái nữa là cả hai chúng tôi đều cùng ngành tình báo, lại ở hai hệ thống khác nhau. Nếu sau này một người bị bắt, sẽ dễ đổ vỡ cả hai đường dây. Lúc đó tôi thật sự buồn lắm. Từ nhỏ tôi đã mồ côi, nay lại không thể có được người mình thương, nên tôi thố lộ một cách rất vụng về: “Cô Hai, cô có thương tôi thì cô ừ một tiếng”, đó là lời tỏ tình đầu tiên của tôi. Không ngờ Hai Em nói như khóc: “Em… ưng”. Tôi hạnh phúc quá, quyết xin cấp trên cho cưới bí mật”.

Được chi ủy hai bên đồng ý, Thương và Hai Em mừng rơn, nhưng còn sợ má Hai Kiều buồn. Một đồng chí trong chi bộ là Tư Lê đến gặp má Hai Kiều thỏ thẻ: “Má Hai, má có thương tụi con không”. “Không thương bây hổng lẽ thương tụi cảnh sát ác ôn”. Lúc này, Tư Lê vạch rõ cái khó của tổ chức nếu gả Hai Em công khai cho Thương, không ngờ má Hai Kiều gật đầu chấp thuận. Ngày cưới của Thương và Hai Em được chọn trùng với một ngày giỗ trong nhà để che mắt mọi người. Tổ chức của Thương gom góp tiền mua tặng cô dâu đôi bông tai. Hai Em bán con heo đánh được cặp nhẫn cưới. Má Hai Kiều đứng trước bàn thờ chồng, khấn: “Kể từ nay, tôi nhận Tư Thương làm con rể trong gia đình. Vì cách mạng không thể tổ chức cưới linh đình cho con được, ông thông cảm cho má con tôi. Tư Thương là đảng viên, có đại diện đơn vị nó đến chứng kiến đây”.

Ngày đứa bé trai tên Liêm, mang họ mẹ, cất tiếng khóc chào đời, biết bao nhiêu tiếng cười miệt thị rằng Hai Em không chồng mà chửa. Ở một nơi rất xa trên đường đi công tác, trong lúc cậu bé tên Liêm đang khóc ở nhà, Nguyễn Văn Thương mỉm cười vì hạnh phúc. Hôm qua 14-8, trong cơn mưa tầm tã, cậu bé trai tên Liêm ấy và bà Hai Em nghẹn ngào khóc tiễn biệt ông Thương - Anh hùng  Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương trở về với đất mẹ…

Tin cùng chuyên mục