Trở về Sao Việt (*)

Trở về Sao Việt (*)

Ba năm, như một chớp mắt của thiên nhiên. Vậy mà đứng đây, giữa đồi núi trập trùng, “cỏ cây chen đá lá chen hoa” của thời cổ đại lại óng ánh sắc đỏ lô xô của những khu biệt thự “phá cách” của thời hiện đại, tất cả chúng tôi đều tròn xoe mắt, nhìn nhau. Kinh ngạc? Không ai nghĩ giữa cảnh hoang vu của một vùng đồi núi tan hoang dày đặc dấu chân tàn phá của quân Đại Hàn hôm qua, sau 5 năm đã là điểm đến của du khách yêu quý thiên nhiên.

Toàn cảnh Sao Việt về đêm

Toàn cảnh Sao Việt về đêm

Ba năm trước chúng tôi đến đây những rừng cây nhân tạo mới bắt đầu hồi sinh. 10.000 cây không chịu nổi sức nóng như nung của miền Trung đã tàn lụi dần. Hơn 40.000 cây còn lại hôm nay xanh ngắt những quả đồi, những con đường đi, phủ bóng xuống những khu biệt thự.

Hoàng hôn, chúng tôi vào rừng bằng xe điện. Những cặp thỏ rừng và những chú sóc nghịch ngợm. Những đàn gà rừng và bìm bịp… chạy ngang dọc trước chúng tôi. Bướm vẫn chập chờn trên những cánh hoa và ong vẫn bám chặt vào các nụ hoa, hàng đàn cò từ các nơi dang những đôi cánh trắng sải về những cánh rừng Sao Việt. Thật đẹp và cũng đầy chất thơ.

Đã lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại cảnh thanh bình gần gũi, thân thiện giữa con người và thiên nhiên. Lần ấy ở bang Minnesota (Mỹ) tôi thấy chiếc ô tô đang phóng trên đại lộ với tốc độ trên 100km/giờ bỗng thắng gấp… vì một bầy gà lôi lệch bệch qua đường, và ở một ga tàu lửa “trẻ con” một nhà môi trường học cúi xuống bắt một con sâu trên mặt đường đầy những bàn chân trẻ con. Chị cẩn thận đặt con sâu lên một ngọn cây. Tôi hỏi chị. Chị cười và nói: “Hãy để mọi vật sống theo tự nhiên. Con bướm đẻ ra sâu. Con chim sẽ ăn con sâu… Tiêu diệt không tự nhiên suy cho cùng là chúng ta tự tiêu diệt mình”.

Vốn tính tôi ngại ca ngợi. Nhưng việc làm của anh bạn tôi quả đã làm tôi suy nghĩ. Giữa thời đại người ta lấp hồ ở công viên để xây nhà cao tầng, người ta giết chết những dòng sông và phá rừng không thương tiếc… thì cái việc hồi phục lại 50 ha đồi khô cỏ cháy không có một giọt nước thành một khu sinh thái lý tưởng của anh sao không đáng khích lệ.

Mặt trời đang nhạt dần. Những cánh rừng càng lúc càng trở nên thâm u. Có tiếng nai “tác”, bóng hươu sao chạy và tiếng lợn rừng cắn xé nhau… Nhớ quá Trường Sơn một thời. Tôi và bạn tôi đã từng ngủ dưới rừng Trường Sơn. Chính rừng đã che chở chúng ta, che mắt quân thù và chính rừng đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng 30 tháng 4 năm 1975. Thời ấy thiên nhiên và con người không có khoảng cách. Vậy mà sau hòa bình, người ta đổ xô vào rừng chặt phá. Con người trở thành kẻ thù của thiên nhiên.

Tắm dưới thác nước Sao Việt

Tắm dưới thác nước Sao Việt

Tôi yêu Sao Việt bởi chính chủ nhân của nó dám tìm con đường đưa Núi Thơm trở thành Sao Việt, trở thành khu du lịch sinh thái cao cấp đầu tiên, ít nhất là ở miền Trung.

Anh Quang Phú là bạn thời học sinh miền Nam với tôi, từ những năm đó anh luôn một lòng với quê hương. Anh, vợ con anh đều không phải là nhà kinh doanh du lịch nhưng anh thấy chỉ có du lịch sinh thái là cứu vãn được màu xanh hoang dã để Núi Thơm sống lại cùng với con người, phục vụ con người, bảo vệ cho con người.

Tôi hiểu con đường các anh chị đi là vô cùng gian nan. Cái mà vùng núi khô cằn đầy sỏi đá này cần là nước. Có nước sẽ có tất cả, sự sống và rừng xanh, sỏi đá sẽ trở thành cỏ hoa và muông thú cùng con người sẽ chung sống dưới những tán lá sum suê…

Các anh đi tìm nước. Cổ cháy khô mà không thấy nước. Ngày lại ngày và tuần nối tuần. Các anh đi như những nhà địa chất tìm quặng trong lòng đất. Một mũi khoan bị gãy. Và lại một mũi khoan nữa nằm dưới lòng đất. Đêm về mệt nhoài, nhưng không ngủ được. Ký ức tuổi thơ cái thời liên lạc chống Pháp ấy bật dậy như một cứu cánh: Bầu Súng ở một thung lũng. Bầu Súng có cao độ hơn ở đây mà quanh năm có nước. Vậy thì… một tia sáng hy vọng… Mong trời sáng mau để lên đường. Cứ đi. Đi theo hồi ức. Đi theo trí nhớ đã ngàn lần phai nhạt. Vậy mà thành! Mũi khoan lần này đã xoắn sâu vào đất và gặp mạch ngầm của nước!

Với những ai hiểu giá trị của môi trường, giá trị không gì thay thế được của rừng trong đời sống của mỗi con người mới thấm thía nỗi vui khôn tả của các anh chị khi tìm được nguồn nước cho Sao Việt.

Nước được tích vào trong một cái hồ rộng gần nửa hécta. Từ đây nước trung chuyển lên một cái hồ ở độ cao trung bình rồi bơm tiếp lên một hồ nữa gần đỉnh đồi qua miệng một con rồng. Chúng tôi đứng lặng hồi lâu trước cảnh tượng của truyền thuyết “độc nhất vô nhị” của dân tộc Đại Việt. Bây giờ thì tôi hiểu giá trị của truyền thuyết con Rồng cháu Tiên đối với dân tộc chuyên trồng lúa nước như nước ta.

Sỏi đá trơ gan cùng tuế nguyệt!

Người dân Phú Yên gọi đây là Núi Thơm. Những ngọn núi lô xô dày đặc dấu giày đinh của Đại Hàn thời chiến tranh chỉ còn sỏi và đá! Nó đứng đây như chứng nhân lịch sử về sự hủy diệt thiên nhiên của con người.

Và cái họa mà thế hệ hôm nay phải nhận đó là những dòng sông chết vì hóa chất, khô cạn, phơi đáy vào mùa khô, và mùa lũ nó dìm bao nhiêu gia đình vào cảnh tang thương!

Nhưng cũng có những con người dám dấn thân… vun xới, chăm chút lại màu xanh của núi rừng. Trong bài tùy bút này tôi muốn nhắc tới anh Trình Quang Phú, người đã hết mình làm sống lại Núi Thơm…

Nước từ hồ trung chuyển được kỹ nghệ của thời hiện đại xử lý và chuyển lên bể lọc ở ngọn đồi cao nhất trong các ngọn đồi ở đây… Và từ đây nước trở về phục vụ cho con người trong mọi sinh hoạt, nước nuôi dưỡng những rừng cây và hoa, nước được tạo thành thác và bể bơi. Không phải ở đâu trên thế giới này cũng có bể bơi liên hoàn như thế này. Bắt đầu từ một hồ hiện đại bơi qua sông cạn có hang động, có cầu “thấu ngọc” để đến với con thác cao hơn 20m đổ xuống của Sao Việt. Tôi biết có không ít những nhà lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương, những văn nghệ sĩ, những nhà doanh nghiệp… đã từng đi khắp thế giới lại về đây, nằm dưới thác để nước “mát xa” từ đầu tới chân. Thật thú vị!

Trời tối dần. Và những ngọn đèn đường bỗng bừng lên, lung linh giữa “đại ngàn” Sao Việt. Với 50ha mà nói “đại ngàn” quả là phóng đại, nhưng không hiểu sao giữa đêm, đứng trên ngọn đồi cao nhất nhìn ra bao la của biển và rừng lung linh ánh đèn tôi lại có cảm giác giữa rừng và biển có mối giao hòa thật ý nghĩa.

Thì ra cha ông đã để lại cho con cháu biết bao giá trị thiên nhiên kỳ vĩ. Nhưng rồi chính chúng ta đã phá nó… một cách tàn bạo! Không ai nghĩ đến tương lai. Một phần của tương lai chính là môi trường, là rừng núi, là sông ngòi và biển cả. Và hôm nay cả nhân loại đang gào thét để bảo vệ môi trường xanh. Hiểu như thế chúng ta mới thấy ý nghĩa và sự cố gắng từng ngày của Sao Việt hôm nay.

Tôi hiểu chủ nhân của Sao Việt là những doanh nhân thành đạt, đã từng đi khắp thế giới. Nhưng ở góc độ khu du lịch sinh thái Sao Việt họ là những người dám làm cái việc “đội đá vá trời” để gắn kết con người và thiên nhiên lại, coi thiên nhiên, coi rừng xanh và biển cả là gốc của sự sống con người.

Khi đã gắn kết được con người với thiên nhiên thì những kiểu dáng biệt thự của Hà Lan hay Ý, Pháp, của Mỹ hoặc Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam đối với họ là việc trong tầm tay.

Bước vào căn biệt thự nào chúng tôi cũng muốn khám phá cái vẻ đẹp cân đối, hài hòa, cái vẻ đẹp “phá cách” nhưng không làm biến dạng những nét đặc thù của nó.

Cái làm nên nét đặc sắc không dễ đâu cũng có ở Sao Việt là nhà tắm, nhà vệ sinh rộng, rất rộng và… cảm rõ như ở ngoài trời. Ở đây có thể vừa tắm vừa ngắm từng đàn cò trắng trôi trong mây trắng. Nhìn chỗ nào từ nhà tắm cũng có cây xanh, hoa và hương và ánh mặt trời, ánh mặt trăng.

Nhưng Sao Việt không phải chỉ có những biệt thự “phá cách” mà còn có những nhà rường 100 - 150 tuổi. Những cây cột, cây kèo… bằng những loại gỗ quý càng qua thời gian càng óng mượt, càng sáng trong, óng ánh một màu thủy chung.

Trở về căn biệt thự Ly Ly của tôi lúc 9 giờ đêm mà sao tôi nghe xao xuyến cái mùi hoa sữa. Bâng khuâng nhớ Hà Nội, nhớ hồ Hale khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Không ai tin đó là sự thật. Cuối cùng bạn đồng hành với tôi nguyên là một nhà báo lâu năm khám phá ra cây hoa sữa ngay trước nhà. Đúng là hoa sữa đang ra hoa. Những nụ hoa vàng nhạt lấp lánh dưới những ngọn đèn đường…

Thì ra chính những chủ nhân của Sao Việt đã lặng lẽ đi muôn nơi mang về đây đủ sắc màu, hương hoa… của thế giới chứ không phải chỉ ở ba vùng miền Việt Nam. Anh Phú, chị Hương, chị Tâm, cháu Bảo chỉ cho chúng tôi vườn cà phê 50 năm tuổi đang ra hoa kết trái, vườn ổi Hà Nội lai giống Tây Nam bộ, còn kia là hoa anh đào từ Nhật Bản đan xen với những cây duối cổ thụ tuổi ngót nghét trăm năm với những hình cầu to nhỏ thật bắt mắt. Có lẽ đây là loại cây cảnh mà không dễ nơi nào có được.

Hoa tuylíp đỏ lấy từ Bali (Indonesia), tầm vông đưa từ Củ Chi ra, bằng lăng mang từ Tây Ninh về đang khoe sắc tím với các loại lan rừng. Anh đào và Mimosa Đà Lạt, xoài ở Viện Cây giống Châu Quỳ lẫn trong những giàn hoa giấy đủ màu. Xà cừ bạt ngàn, nhưng thông Caribbean thì chưa đầy 100 cây. Dù vậy nó vẫn tạo cho khu rừng Sao Việt nét lạ, nét độc đáo riêng cho mình.

Họ nói với chúng tôi rằng, khác Đà Lạt, thông trồng được ở đây chỉ là thông của vùng Caribbean.

Đi từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, các anh chị Sao Việt đang tìm cho mình một mô hình riêng trong du lịch sinh thái, mà không một nhà canh nông nào có thể thay thế được.

Đã khuya rồi mà mùi hoa sữa vẫn len lỏi trong các góc của căn phòng, vẫn làm nao nao nỗi nhớ Hà Nội của mỗi chúng tôi.

HOÀNG LẠI GIANG

—————————
(*) Sao Việt là khu du lịch sinh thái cao cấp ở Núi Thơm (TP Tuy Hòa - Phú Yên).

Tin cùng chuyên mục