Nhiều năm nay, họa sĩ Trung Sơn trăn trở tìm cách thể hiện cho được bức tranh Chân dung đồng đội. Đó là tình cảm, tình nghĩa đồng đội vô cùng thiêng liêng mà chỉ có những người lính mới thấu hiểu.
Là lớp sinh viên các trường đại học nhập ngũ ngày 6-9-1971, Trung Sơn cùng đồng đội đã sống và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1972, 1973. Sau chiến tranh, họa sĩ Trung Sơn và những người lính còn sống sót lại trở về cuộc sống bộn bề hàng ngày, mỗi người một công việc, một hoài bão. Ấp ủ từ nhiều năm, nhưng phải cho đến năm 2012, họa sĩ Trung Sơn mới hoàn thành được tâm nguyện. Từ ý tưởng của bức tranh Chân dung đồng đội, họa sĩ đã nghiền ngẫm và sáng tạo nên bức tranh độc đáo và cảm động Trở về Thạch Hãn (ảnh). Ông bộc bạch: “Bức tranh Trở về Thạch Hãn tôi lấy bối cảnh trong sự kiện cầu truyền hình: Một thời hoa lửa - Khúc tráng ca một dòng sông, được tổ chức năm 2005. Bức tranh Trở về Thạch Hãn tôi đã thực hiện liên tục ròng rã 6 tháng và vừa mới hoàn thành cách đây hơn 10 ngày”.
Trở về Thạch Hãn đặc tả chân dung đồng đội, những cựu chiến binh từng chiến đấu tại Quảng Trị. 40 năm trước họ là những người lính tuổi đời mười tám, đôi mươi, tạm dừng bút nghiên lên đường cầm súng đánh giặc. Họ đã trải qua những trận đánh khốc liệt nhất, gian khổ nhất trong lịch sử chiến tranh của dân tộc, của loài người. Sau 40 năm, gặp lại nhau bên bờ sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đến các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Có thể thấy trong tranh gương mặt những người chỉ huy, người lính năm xưa như: Lê Khả Phiêu, Đinh Thế Huynh, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Quốc Triệu, Lê Mã Lương, Phạm Gia Đức, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Luân Tín, Lê Duy Ứng....
Bức tranh Trở về Thạch Hãn của Trung Sơn độc đáo và tài tình bởi ý tưởng sáng tạo và những ý tưởng tâm linh cao đẹp: Sự tưởng nhớ của những người trong cuộc - người của hôm nay - với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh. Tác phẩm toát lên một không khí trang nghiêm, thiêng liêng mà rất đỗi gần gũi, chân tình và ấm áp .
Cao Minh