Bước vào cuộc gặp cấp cao lần 2 tại Hà Nội lần này, Mỹ và Triều Tiên dường như có nhiều thuận lợi hơn so với cuộc gặp thứ nhất. Nếu ở cuộc gặp đầu, 2 nhà lãnh đạo không biết về nhau mà chỉ đọc báo cáo về đối tượng nói chuyện, lần này họ đã biết nhau - điểm rất quan trọng. Cả 2 bên đều có nhu cầu đạt được một thỏa thuận “nào đó” như lời của Tổng thống Donald Trump. Một thỏa thuận với những điều kiện cụ thể sẽ phải bàn nhưng nó là một thỏa thuận. Tổng thống Mỹ muốn chứng minh mình là nhà thương thuyết tài giỏi nhất mọi thời đại, giải quyết được vấn đề mà tất cả các tổng thống tiền nhiệm trong vòng hơn 60 năm qua không giải quyết được. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng rất hy vọng có thể đạt được kết quả dỡ bỏ một phần của cấm vận qua cuộc gặp này để có thể vượt qua khó khăn kinh tế mà đất nước ông gặp phải. Đáng chú ý là trước cuộc gặp, Mỹ đã tỏ ra thực tế hơn, hạ thấp yêu cầu đối với Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố chỉ cần Triều Tiên cam kết không tiếp tục thử tên lửa và vũ khí hạt nhân là Mỹ hài lòng. Đây là mục tiêu thấp hơn nhiều so với việc phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược” mà Mỹ đặt ra trước đó tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Singapore.
Khó khăn cho cuộc gặp lớn nhất vẫn là khó khăn cũ: làm sao lãnh đạo Triều Tiên yên tâm là phi hạt nhân hóa không ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của Triều Tiên. Đây là khó khăn mà bao đời tổng thống Mỹ đến nay vẫn chưa thể làm yên lòng CHDCND Triều Tiên. Ai cũng hiểu là Tổng thống Donald Trump cũng không thể giải quyết bài toán này một cách đơn giản và càng không thể ngay lập tức, chóng vánh. Một khó khăn khác là trong lúc đàm phán về vấn đề quan trọng hàng đầu này, Tổng thống Donald Trump không thể không bị phân tâm khi tại quê nhà, cộng sự cũ, luật sư riêng của ông trong nhiều năm, đang chuẩn bị điều trần công khai trước Quốc hội Mỹ và có thể tiết lộ những thông tin bất lợi cho ông.
Mặc dù có khó khăn như vậy, nhưng với những thuận lợi trước cuộc gặp so với cuộc gặp lần 1 tại Singapore, giới quan sát có quyền hy vọng một kết quả nào đấy của cuộc gặp. Khi người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố cuộc gặp sẽ kết thúc và có thể không có tuyên bố chung, trung tâm báo chí nhốn nháo.
Việc không đạt được thỏa thuận lần này tại Hà Nội cho thấy đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề không đơn giản. Đó cũng là lý do nhiều đời Tổng thống Mỹ giải quyết chưa xong. Còn nhớ cựu Tổng thống Bill Clinton đã tiến tới khá gần thành công với thỏa thuận 1994 nhưng rồi thỏa thuận cũng tan vỡ. Ít nhất, việc không đạt được thỏa thuận lần này giúp Tổng thống Donald Trump thực tế hơn khi đàm phán với Triều Tiên, đặc biệt khi giải quyết vấn đề vô cùng nan giải này. Ông Donald Trump có khi lại được điểm khi không đạt được thỏa thuận lần này vì ông tỏ ra không nóng vội như người ta lo ngại. Một tờ báo Mỹ ngay sau khi có tin đã chạy tít: “Không có thỏa thuận còn hơn có thỏa thuận tồi”